Chuyện thời cuộc: Giải ngân nguồn vốn đầu tư công

17:03 02/10/2022

Thời gian gần đây, nội dung giải ngân nguồn vốn đầu tư công được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Điều đó càng được thể hiện rõ khi tại một hội nghị liên quan gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn.
Hiệu quả giải ngân nguồn vón đầu tư công sẽ tác động đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình sử dụng ngân sách.

          Theo khái niệm chung, giải ngân nguồn vốn đầu tư công là việc cơ quan kiểm soát thanh toán, trên cơ sở hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư thực hiện việc tạm ứng hoặc thanh toán khối lượng hoàn thành của dự án đã được nghiệm thu theo quy định của pháp luật.

          Xét theo dòng tiền, việc giải ngân là cơ quan kiểm soát thanh toán chuyển tiền từ ngân sách nhà nước sang tài khoản của đối tượng thụ hưởng theo đề nghị của chủ đầu tư.

          Như vậy, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng bậc nhất, liên quan đến các dự án được đầu tư từ ngân sách quốc gia, đồng thời cũng là một trong những động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Việc nguồn vốn được giải ngân đúng, đủ và kịp thời sẽ giúp các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hạn chế phát sinh nguồn lực đầu tư và ngược lại.

          Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công nhằm góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

          Tuy nhiên trên thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện đang là vấn đề kéo dài nhiều năm, dù Chính phủ đã chỉ đạo với quyết tâm cao, các bộ, ngành, địa phương cũng vào cuộc quyết liệt, nhưng vấn đề này vẫn đang là “nút thắt” chưa thực sự được giải quyết hiệu quả, mà kết quả của năm 2022 cũng không ngoại lệ.

          Đơn cử như báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách tính đến hết tháng 9 mới đạt khoảng 46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cá biệt trong đó có những bộ, ngành, địa phương mới thực hiện được dưới 20% kế hoạch.

          Trong nhiều hội nghị bàn về nội dung này, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân, liên quan tới cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện là chủ yếu.

          Chẳng hạn như công tác lập kế hoạch chưa sát, không phân bổ được vốn giao dẫn đến vốn chờ dự án, thủ tục; việc công bố chỉ số giá xây dựng nhiều nơi chưa sát thị trường, bị động; chất lượng chuẩn bị dự án thấp, khảo sát dự án chưa tốt… Mặt khác, một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm công tác này.

          Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán của các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua.

          Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

          Thủ tướng chỉ đạo những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần coi công tác này là công việc ưu tiên, dành thời gian lãnh đạo, tổ chức thực hiện, với tinh thần “làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ.

          Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông