Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030

17:15 20/11/2022

Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư khoá X, công tác ngoại giao kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, cần có sự thích ứng thay đổi, để định hướng chiến lược nhiệm vụ này, Ban Bí thư Trung ương vừa ban hành Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chỉ thị 15).
Sản xuất máy giặt xuất khẩu tại Nhà máy LG (vốn FDI Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng.

          Trước hết về mục tiêu, Chỉ thị 15 xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đường lối đối ngoại đã được Đại hội 13 của Đảng đề ra.

          Về nhận thức, Chỉ thị 15 xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế theo hướng độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Đồng thời xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu.

          Từ đó, tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Với các đối tác quan trọng, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện phải chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, giáo dục và khoa học - công nghệ... Tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước.

          Việc giải quyết vướng mắc trong quan hệ kinh tế với các đối tác phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, hài hoà với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác. Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò, thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn kinh tế quốc tế và những vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Chủ động đóng góp vào tiến trình cải tổ, nâng cao hiệu quả các tổ chức quản trị kinh tế toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế quốc tế.

          Chỉ thị yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do. Tham gia có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế; đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Chủ động mở rộng hợp tác khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ. Tham gia hiệu quả vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác; chủ động, tích cực tham gia và củng cố vững chắc vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững.

          Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả viện trợ của Việt Nam cung cấp cho nước ngoài, bảo đảm thống nhất, minh bạch, thiết thực, phù hợp với tiềm lực đất nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú.

          Chỉ thị 15 chủ trương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế. Hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá phương thức, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đối ngoại trong thẩm định, xử lý vướng mắc trong các dự án có yếu tố nước ngoài hoặc nhạy cảm về đối ngoại.

          Bên cạnh đó, cần tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm phát triển của các nước, luật pháp và tập quán kinh tế quốc tế, nhạy bén phát hiện các xu hướng, mô hình phát triển mới. Tích cực mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn kinh tế quốc tế có uy tín để có nguồn thông tin chính xác, chất lượng phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế.

          Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng tầm quan hệ đối ngoại với các chính đảng, các đảng cầm quyền, các tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hoá, quốc phòng - an ninh; giữa song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai ngoại giao kinh tế.

          Chỉ thị 15 cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngoại giao kinh tế.

          Hoàng Minh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông