Không để bất ngờ trước “cơn giận dữ” của biển

17:01 06/11/2022

Thành phố Banda Aceh, tỉnh Aceh (Indonesia) buổi sáng tháng 12/2004. Một cơn rung lắc mạnh báo hiệu động đất kèm một âm thanh rất lớn, giống như tiếng động cơ máy bay, rồi đợt sóng thần khủng khiếp “chồm lên” từ phía biển.

Cậu thanh niên Marthunis 17 tuổi cùng gia đình đi trên chiếc xe tải nhỏ, cùng mọi người đổ ra đường để cố thoát khỏi “quái vật” biển. Làn sóng đen kịt ập đến bao trùm chiếc xe tải nhỏ, khiến xe lật nhào vài lần, sau đó mọi thứ trở nên tối mịt. Khi tỉnh lại, Marthunis thấy mình đang ở trong nước. Cậu bám chặt vào một chiếc ghế và lênh đênh trên mặt nước cho đến khi trôi dạt vào bờ biển. Marthunis may mắn sống sót, nhưng đã vĩnh viễn mất đi mẹ và chị gái.

Trận động đất có độ lớn 9,1 ngoài khơi đảo Sumatra thuộc tỉnh Aceh gây ra những đợt sóng thần lớn khi ấy đã cướp đi sinh mạng của gần 230.000 người tại 14 quốc gia dọc Ấn Độ Dương, gây thiệt hại vật chất hàng tỷ USD. Riêng ở tỉnh Aceh có gần 170.000 người thiệt mạng, ngoài ra, hơn 93.000 người mất tích và thiệt hại tài sản ước tính trên 4,5 tỷ USD. Đây được xem là họa sóng thần lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại và khiến nhiều người tử vong nhất. Sau thảm họa, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) quyết định chọn ngày 5/11 là Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới.

Thành phố Meulaboh, tỉnh Aceh sau trận động đất và sóng thần năm 2004.

Được ví như "cơn giận dữ kinh hoàng của biển", sóng thần là loại thảm họa thiên nhiên hiếm khi xảy ra, nhưng lại gây thiệt hại về người và tài sản nhiều nhất. Thống kê cho thấy trong 100 năm qua, 58 trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người, tức là trung bình mỗi thảm họa khiến 4.600 người thiệt mạng. Thảm họa động đất-sóng thần xảy ra tại Đông Bắc Nhật Bản năm 2011 đã “cuốn bay” 235 tỷ USD và là thiên tai gây thiệt hại về tài sản nặng nề nhất trong lịch sử.

Theo ước tính đến năm 2030, khoảng 50% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực ven biển, nơi thường xuyên hứng chịu nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan như bão, lũ lụt, sóng thần. Dù cảnh báo sớm và hành động sớm có vai trò thiết yếu, nhưng số liệu Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố tháng 4 vừa qua cho thấy chưa đến 50% các nước thành viên triển khai hệ thống này. Cũng theo LHQ, khoảng 30% dân số thế giới - chủ yếu sống ở các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển - vẫn chưa có hệ thống cảnh báo sớm. Thậm chí, tại châu Phi, con số này lên tới 60% người dân.

Thông điệp của Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới năm nay là kêu gọi tăng khả năng tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như các thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân, giúp giảm nhẹ thiệt hại do sóng thần. Nội dung này cũng tương tự chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là tập trung vào mục tiêu G của Khung hành động Sendai “Tăng cường tính bền vững và khả năng tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa cũng như thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân đến năm 2030”.

Trong thông điệp nhân ngày 5/11, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ) về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori nhấn mạnh các hệ thống cảnh báo sớm cần hướng đến mọi người có nguy cơ dù ở bất cứ đâu và nói ngôn ngữ nào. Hệ thống cảnh báo sớm sóng thần nên được phát triển theo cấu trúc đa hiểm họa bởi không phải tất cả sóng thần xảy ra đều do động đất. Chẳng hạn như trận sóng thần tại eo biển Sunda (Indonesia) năm 2018 xảy ra sau các vụ phun trào núi lửa, vụ nổ và lở đất dưới đáy biển, chứ không phải do động đất. Bà Mizutori cũng lưu ý ngay cả khi các hệ thống này hoạt động, các cộng đồng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng hành động sớm theo các cảnh báo.  Trong khi đó, các chính phủ cần tăng năng lực dự báo và theo dõi đa hiểm họa - những yếu tố then chốt trong các hệ thống cảnh báo sớm. 

Trong 2 thập niên qua, thế giới không ngừng thúc đẩy nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong đó có rủi ro do sóng thần. Chỉ 3 tuần sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, cộng đồng quốc tế đã thông qua Khung hành động Hyogo kéo dài 10 năm - thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Thông qua đó, các nhà khoa học cũng tạo ra Hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ sóng thần Ấn Độ Dương, sử dụng các trạm quan trắc địa chấn và mực nước biển để gửi cảnh báo đến các trung tâm thông tin sóng thần quốc gia. Kể từ khi hệ thống này đi vào hoạt động, một số cảnh báo sóng thần được ban bố, giúp các cộng đồng có nguy cơ tại một số nước sơ tán kịp thời đến nơi an toàn. Chẳng hạn trong trận động đất Ấn Độ Dương năm 2012, hệ thống đã cảnh báo cho các cộng đồng sống trên quần đảo Andaman và Nicobar trong vòng 8 phút.

Tại Nhật Bản - nơi mỗi ngày xảy ra trên dưới 50 trận động đất lớn, nhỏ, trong đó có thảm họa kép động đất-sóng thần ngày 11/3/2011, các biện pháp ứng phó động đất sóng thần luôn được chú trọng. Cuối tháng 9 vừa qua, chính phủ nước này đã xác định các khu vực cần xúc tiến những biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại. Gói biện pháp này được triển khai tại 108 thành phố, thị trấn và làng mạc tại một số tỉnh có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng do sóng thần. Trong đó, thành phố Sendai thuộc tỉnh Miyagi đã đầu tư vào hệ thống thông báo khẩn cấp, sử dụng các máy bay không người lái để hối thúc người dân sơ tán khi cảnh báo sóng thần được ban bố. 

Tại Việt Nam, tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

LHQ cảnh báo rằng những rủi ro thiên tai vẫn rất lớn. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm sức tàn phá của sóng thần. Bên cạnh đó, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và du lịch ngày càng phát triển ở các khu vực dễ bị sóng thần, cũng đang khiến nhiều người gặp nguy hiểm hơn. Cho đến nay, cảnh báo sớm và hành động sớm vẫn là công cụ hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng con người trước sóng thần. Đó là lý do LHQ đặt thời hạn 5 năm cho các quốc gia để đảm bảo tất cả công dân trên toàn thế giới được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Đây cũng chính là trọng tâm của Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới năm nay.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích