Mưa gió thất thường làm khó thị trường vật liệu xây dựng

13:28 26/09/2022

Theo thông lệ, sau tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu), thời tiết khô ráo sẽ thuận lợi cho nhu cầu xây dựng, đây cũng là thời điểm ăn lên làm ra của các hộ kinh doanh vật liệu cũng như nhà thầu xây dựng. Nhưng năm nay dù đã qua tháng 8 âm lịch, nhưng thời tiết vẫn chưa thực sự thuận lợi, khi mật độ mưa nhiều hơn mọi năm, khiến thị trường vật liệu xây dựng thành phố vẫn bì bọp lội trong cơn bĩ cực…
Nhiều công trình gián đoạn thi công vì mưa thất thường.

          Nếu tính về mật độ trên địa bàn Hải Phòng, dù cường độ có thể yếu hơn nhưng số ngày mưa trong tháng 8 âm lịch cũng không kém so với tháng 7 mưa Ngâu, các cơn mưa vẫn xuất hiện liên tục làm khó cho việc thi công các công trình xây dựng.

          Vả lại, theo chia sẻ của các chủ thầu xây dựng, thì hiện các công trình liên quan đến mảng đầu tư công, các dự án lớn, việc cung cấp vật liệu hầu hết thông qua hoạt động chuỗi hoặc đấu thầu, vì vậy thị trường vật liệu truyền thống hiện cơ bản chỉ trông chờ vào các công trình dân sinh và sửa chữa nhỏ.

          Cùng với những khó khăn do biến động thị trường nói chung kể từ đầu năm 2022, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhất là biến động giá xăng dầu, ngoại tệ và lạm phát, cộng hưởng với sự đi xuống của thị trường bất động sản, mảng kinh doanh vật liệu xây dựng đã khó càng thêm khó.

          Theo ông Phạm Văn P. – một chủ thầu xây dựng ở quận Ngô Quyền, công bằng mà nói, so với mấy năm trước thì năm 2022 nghề xây dựng trên địa bàn thành phố đã có khởi sắc, nhờ nhiều công trình dân sinh được xây mới. Vào thời điểm giữa năm, thị trường thành phố đã xuất hiện cơn sốt vật liệu, trong đó tăng giá mạnh nhất là sắt thép, xi măng và gạch, cát thậm chí đã có lúc cháy hàng.

          Tuy nhiên bước qua tháng Ngâu, nhịp độ tăng giá vật liệu đã chững lại. Khảo sát tại một số đầu mối kinh doanh vật liệu xây dựng trên thị trường, giá bán lẻ cũng không có nhiều thay đổi gì so với trước tháng Ngâu, thậm chí một số mặt hàng giảm nhẹ.

          Khi hỏi về nhu cầu mùa xây dựng năm nay, ông T. – một chủ bãi vật liệu ở quận Dương Kinh lắc đầu ngao ngán: “Chưa thấy gì sáng sủa, trong khi giá xăng dầu tăng liền mấy đợt, làm chi phí vận chuyển tăng theo, giờ xăng dầu giảm nhưng cước vận chuyển cũng đâu có giảm nhiều…”.

          Cũng theo ông T., thì năm nay ít bão nhưng lại là bão muộn, khu vực phía Bắc ảnh hưởng kéo dài của các đợt mưa. Hiện tại cơn bão số 4 (bão Noru) cũng đang vào biển Đông, tác động rất khó lường, nếu lũ lớn sẽ là cản trở không nhỏ cho việc vận chuyển vật liệu thô như gạch, cát, đá, cọc tre… từ các địa phương khác về Hải Phòng.

Chưa hết, ông T. cho biết thêm, một số vật liệu tăng giá mạnh hồi giữa năm đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nội địa. Đơn cử như thép, hiện giá đã giảm nhưng đang có thông tin thép sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng giá trong thời gian tới.

Điều này không phải không có cơ sở, bởi nguồn tin từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, bước sang năm 2022 xuất khẩu thép từ Việt Nam tăng rất mạnh, như vậy, nếu thị trường thép thế giới khởi sắc, rất có thể sẽ tác động đẩy giá thép tiêu thụ trong nước.

Ở một diễn biến khác, trong khi nhóm vật liệu thô còn tiềm ẩn phức tạp như đã nêu trên, thì phân khúc các sản phẩm phục vụ xây dựng khác cũng vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Vật liệu phụ trợ xây dựng ế khách?

Đáng nói là, khi xã hội ngày càng văn minh, nhu cầu “ở bền-ở đẹp-ở thoải mái” tăng cao, thì vật liệu xây dựng không còn đơn thuần chỉ là sắt thép, gạch cát đá, xi măng… nữa, mà nó bao gồm cả chuỗi hàng hóa khác như vật liệu trang trí nội, ngoại thất, phong thủy, cụ thể là sơn, gốm sứ, gỗ, kính, nhựa, cáp và thiết bị điện…

Tại một đại lý bán sơn tường ở đường Ngô Gia Tự, nhân viên bán hàng cho biết, giá sơn so với năm trước tăng khoảng 10% nhưng tăng hay giảm đều khó bán tại thời điểm này. Bởi lẽ việc thi công sơn trên tường đòi hỏi thời tiết phải hoàn hảo, nếu gặp mưa thì hoặc không thể thi công, hoặc thi công được cũng không đảm bảo chất lượng.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều thương hiệu sơn xây dựng, trong đó một số loại được cho là tiêu thụ tốt hơn là Dulux, Expo, Alex… Một số thương hiệu rẻ tiền khác chỉ phù hợp với dạng nhà kinh doanh đang rất ế, bởi hầu như các công trình dân sinh đều dùng loại trung bình trở lên.

Trên các tuyến đường Tô Hiệu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Gia Tự… nơi tập trung cung cấp nội thất xây dựng lớn của thành phố, giá một số mặt hàng đã bắt đầu nhúc nhích tăng.

Nhưng theo ông D.- chủ một cửa hàng kinh doanh nội thất ở đường Tô Hiệu, thì nguyên nhân do chi phí vận chuyển gần đây tăng theo giá xăng dầu, cùng với một số mặt hàng nhập khẩu tăng do tỷ giá ngoại tệ, còn so với giá bán ra, lợi nhuận của những nhà phân phối chẳng tăng được bao nhiêu.

Cũng theo ông D. thì thời điểm này việc kinh doanh chẳng qua cũng chỉ cần đạt được mấy tiêu chí: lãi suất ngân hàng, chi phí bán hàng và vận chuyển… Tương tự, tâm trạng chung của nhiều chủ hàng bán đồ gỗ, đồ phong thủy, đồ điện cũng như vậy.

Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng thành phố thời điểm hiện tại, một số người có kinh nghiệm cho rằng, tác động tiêu cực cơ bản do yếu tố thời tiết, còn những tác động khác vẫn theo chiều hướng “nước nổi, bèo nổi”.

Qua hết đợt mưa, nhiều công trình dang dở sẽ tái khởi động, cùng với đó mùa cưới cũng phát sinh nhà ở cho các gia đình mới kết hôn, xu thế mua nhà xây sẵn giảm thì nhu cầu xây dựng nhà riêng sẽ tăng. Nói như vậy, nghĩa là thị trường vật liệu xây dựng chỉ còn phải chờ đợi, chứ không đến mức ảm đạm trong “thì tương lai”?

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông