Tết về, nhớ thương hiệu hàng tiêu dùng Hải Phòng

09:14 07/01/2023

Những ngày này, trên khắp thành phố không khí chuẩn bị cho tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang rộn ràng, từ chợ truyền thống đến các siêu thị, từ ngoại thành vào đến nội thành, hàng hóa đã ngập tràn. Nhưng giữa không gian hàng hoá tấp nập đến từ mọi nẻo Việt, nhiều người Hải Phòng không khỏi ngậm ngùi khi thiếu vắng thương hiệu của chính mình.
Thực phẩm đóng hộp được sản xuất tại một cơ sở tại Hải Phòng.  

          Từng vang bóng một thời…

          Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thành Quang – một cán bộ nghỉ hưu của ngành công nghiệp kể lại, vào tháng 3/2005 nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Buôn Mê Thuột, ông Quang được tham gia đoàn doanh nhân Hải Phòng đem hàng vào vào triển lãm hội chợ của tỉnh Đắc-Lắc.

          Có thể nói đó là một trong những sự kiện thương mại lớn nhất được tổ chức ở Tây Nguyên trong thời điểm ấy, và gian hàng tiêu dùng Hải Phòng cũng được đánh giá là hoành tráng nhất tại Festival Tây Nguyên 2005.

          Cũng theo ký ức của ông Quang, điều đáng nhắc đến nhất chính là khi gian hàng của Công ty sắt tráng men nhôm Hải Phòng, khi vừa trưng biển hiệu, lập tức đã có hàng trăm người dân chen lấn, khiến các cán bộ nhân viên của Công ty này phải triển khai bán ngay khi nhiều thứ của gian hàng chưa hoàn thiện, để đáp ứng nhu cầu của khách.

          Bởi hầu hết họ đều là những người dân miền Bắc vào lập nghiệp ở Tây Nguyên, mang trong lòng dấu ấn sâu đậm thương hiệu “sắt tráng men nhôm Hải Phòng”. Nên dù Festival Tây Nguyên diễn ra 10 ngày, nhưng chỉ sang ngày thứ hai gian hàng của Công ty sắt tráng men nhôm Hải Phòng đã trống trơn không còn cả hàng trưng bày, trước sự tiếc nuối của những người đến chậm.

          Không riêng gì sắt tráng men nhôm, có thể kể ra hàng chục sản phẩm tiêu dùng đã góp phần làm lên biểu tượng Hải Phòng một thời như: nước mắm, đồ hộp, giày dép, len, xe đạp, thuỷ tinh…

          Nước mắm đỉnh thì có Cát Hải; đồ hộp nổi nhất là Hạ Long; giày dép cũng đình đám với các thương hiệu “giày da Hải Phòng”, “giày vải Thống Nhất”, “Hợp Lực” hay “dép tông Tân Thái Hoa”; len cũng mang tên “Hải Phòng”, còn xe đạp thì có cơ khí Hồng Quang với sản phẩm Hoa Phượng hay Hải Âu, thảm thì phải kể đến Hàng Kênh...

          Nền kinh tế tập trung dù có nhiều hạn chế nhưng đã tạo cho Hải Phòng có cơ hội quảng bá hình ảnh với vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của miền Bắc.

          Tất nhiên so với ngày nay, không phải sản phẩm nổi tiếng nào cũng còn ưu việt, nhưng trong thời khó khăn, người Việt vật lộn chủ yếu với nguồn hàng tự cung tự cấp, cho thấy sức nặng của những sản phẩm này là không thể phủ nhận.

          Cơn gió đổi mới đã mở đường và thúc đẩy cho tiến trình hội nhập quốc tế,  sự vận động của nền kinh tế thị trường đã khiến hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Liên Xô, Đông Âu cũ cùng nhiều sản phẩm chế tác tại Hải Phòng phải nhường thị phần cho hàng hóa đến từ các quốc gia khác.

          Đồng thời sự giao thoa trong chính sách thu hút đầu tư ngoài nước cũng kích cầu hoạt động sản xuất trong nước, xuất hiện những trung tâm chế biến, chế tạo mới, khiến phân ngành sản xuất hàng tiêu dùng nội địa của Hải Phòng dần bị thu hẹp.

          Nhiều doanh nghiệp khi cởi bỏ phương thức sản xuất kế hoạch đã phải vật vã chuyển đổi, tận dụng mọi thế mạnh trong tư duy bảo thủ, rốt cuộc không qua khỏi cơn bĩ cực.

          Vì vậy nên không ít doanh nghiệp phải bỏ cuộc chơi hoặc chuyển sang gia công xuất khẩu, mà giày dép hay may mặc là những ví dụ. Tương tự nổi tiếng như nhựa Tiền Phong cũng đành từ bỏ biểu tượng “móng trắng” làm mới lại mình bằng ống nước…

          Nghiệt ngã hơn, những đôi giầy cao cổ, dép đúc cao su Hợp Lực từng gắn bó với bao thế hệ cũng phải giải thể, và trước đó len Hải Phòng, xe đạp Hồng Quang… cũng chung cảnh “chết yểu”.

Sản phẩm nước mắm truyền thống của huyện Cát Hải (Hải Phòng)

          Ngậm ngùi thương hiệu Hải Phòng

          Trong thời gian dài, quan điểm về thương hiệu Việt vốn dĩ khá thuần túy, cho rằng đó phải là sản phẩm do Việt Nam nghiên cứu và phát triển, nhưng thực tế cho thấy, thị trường mới mang yếu tố quyết định, khiến nhiều dự án không kém phần tâm huyết và đầu tư lớn cho thương hiệu Việt đã phải phá sản, trong đó Hải Phòng cũng không ngoại lệ.

          Cách đây hơn 10 năm, kể từ khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, quan điểm về hàng Việt cũng có nhiều thay đổi. Tính thuần túy trong hàng Việt được thay bằng cách tiếp cận thiết thực hơn, rằng hàng hóa đó được sản xuất trong nước, có thể do tự phát triển, bằng chuyển giao công nghệ, bằng gia công… nhưng tựu trung phải phát huy giá trị gia tăng cho kinh tế Việt.

          Vì vậy trên thị trường hiện nay, kể cả các siêu thi hay chợ truyền thống, hàng Việt được chấp nhận, dù mang thương hiệu nổi tiếng thế giới, bởi được sản xuất tại Việt Nam, được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận, thay cho việc phải nhập khẩu sản phẩm tương tự, làm chảy máu kinh tế nội địa.

          Nhưn ngay cả trogn bối cảnh ấy, tình cảnh của phân ngành sản xuất hàng tiêu dùng Hải Phòng xem ra vẫn còn nhiều bất cập, mà mỗi năm tết đến, xuân về bộc lộ khá rõ. Điều đó có thể dễ nhận thấy khi đi dạo quanh các siêu thị bách hóa, sản phẩm tiêu dùng xuất nguồn từ Hải Phòng vẫn tỏ ra rất khiêm tốn so với nơi khác, ít nhất là nhìn từ góc độ cạnh tranh thương hiệu, từ sản phẩm công nghiệp cho đến nông sản thực phẩm.

          Mặc dù tính trên tổng thể giá trị, Hải Phòng vẫn là điểm sáng của cả nước về phát triển công nghiệp. Nhận xét về điều này, nhiều ý kiến cho rằng dù tăng trưởng cao nhưng công nghiệp Hải Phòng còn phụ thuộc nhiều vào gia công xuất khẩu, nên sản phẩm nội địa vẫn là một ẩn số.

          Nhìn vào bản đồ thương hiệu Hải Phòng, có thể thấy rõ thành phố đang thiếu những sản phẩm có sức cạnh tranh, kể cả ở thị trường trong và ngoài nước, hầu hết những thương hiệu lớn vẫn là tên tuổi cũ. Chẳng hạn trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, trên các kệ hàng siêu thị lâu nay chỉ còn thấy sản phẩm của Công ty đồ hộp Hạ Long (Halong Canfoco) hay nước mắm Cát Hải, Quang Hải… vốn dĩ cũng mang nhiều giá trị truyền thống.

          Trên lĩnh vực công nghiệp nhẹ, điều hơi mủi lòng là Hải Phòng từng có thời gian xây dựng hàng chục cơ sở sản xuất giầy dép, may mặc nội địa, vốn từng rầm rộ, giờ đây cũng vắng bóng. Thị trường thành phố dường như chỉ xuất hiện nhiều sản phẩm mang thương hiệu may mặc MayHai hoặc giày Zivton, bên cạnh đó, những sản phẩm hóa phẩm nổi tiếng của Công ty Vico dù còn chỗ đứng trên thị trường, nhưng vẫn mang đậm nét thương hiệu được khẳng định từ thời bao cấp.

          Trở lại với thị trường tết Quý Mão 2023, dạo quanh các trung tâm thương mại và các chợ truyền thống, nhìn hàng hóa Việt tràn ngập mà ngậm ngùi cho thương hiệu Hải Phòng. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, phân khúc hàng hóa này sẽ được quan tâm nhiều hơn, để tên tuổi sản phẩm mang tên Hải Phòng sẽ nhiều hơn về lượng, tốt hơn về chất, xứng tầm với vai trò một trung tâm dịch vụ, công nghiệp, thương mại của khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

          Lê Minh Thắng

                                                                                       

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích