Lại chiêu trò giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu

10:13 19/07/2023

Ngày 15-6, chị N.T.H. trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền khi đang làm việc nhận được cuộc gọi từ người xưng là thầy giáo của con gái (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thông báo con chị bị ngã đập đầu vào cầu thang đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Gay cấn hơn, "thầy giáo" còn đưa máy cho một “bác sĩ” phẫu thuật đọc rõ cả họ, tên đệm của con gái chị và cho biết tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, bị ngã đập đầu, dập não hôn mê sâu, tiên lượng xấu cần phải mổ gấp.

Nghe được những thông tin này, chị H. “rụng rời chân tay”, trong khi phía bên kia liên tục gọi điện giục gia đình đến ngay để ký giấy mổ. Khi biết gia đình không có ai ở Hà Nội, ông thầy nọ hứa sẽ ký giấy uỷ quyền hộ rồi thông báo bệnh viện yêu cầu đóng viện phí 50 triệu mới cho con chị vào phòng mổ.

Nhận số tài khoản bệnh viện, chị H. vào app chuyển tiền. Song khi nhìn thấy số tài khoản lại là tên cá nhân, chị sực tỉnh. Linh tính mách bảo, chị gọi điện thoại cho con gái. Sau mấy hồi chuông, con gái chị nhấc máy và nói đang học bình thường ở trường và không hề bị tai nạn như người "thầy" kia nói.

Người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra

Tuy nhiên, không phải ai nhận cuộc gọi đến phút cuối cũng sực tỉnh được như vị phụ huynh trên, nhiều người đã mất hàng chục triệu đồng cho đối tượng lừa đảo. Có thể thấy đối tượng trước đó đã có nghiên cứu về thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên và thường nhắm vào những gia đình có con học xa nhà.

Chiêu thức lừa đảo nói trên có thể nói là cũ nhưng vẫn không ít người mắc câu bọn xấu bởi chúng đánh trúng tâm lý nạn nhân cũng như tình huống chúng đưa ra ít ai ngờ tới, nhất là tính gay cấn của sự kiện được chúng đặt ra trong khoảnh khắc thời gian hết sức ngặt nghèo. Vì thế, trong một số trường hợp, việc phụ huynh vội vàng chuyển tiền cho bọn lừa đảo là có thể hiểu được. Tuy nhiên, mọi người có thể tránh được bẫy của kẻ gian ở các tình huống tương tự khi bình tĩnh xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như giáo viên chủ nhiệm, bạn bè của con và nắm rõ một số nguyên tắc về quy trình làm việc của bệnh viện, nhà trường.

Để tránh bị lừa đảo người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, con cái, danh tính của mình lên mạng xã hội. Cùng với đó, những dịch vụ đã đăng ký mà không còn nhu cầu nữa nên được hủy bỏ để hạn chế bớt việc các đơn vị giữ thông tin của bản thân.

Trong trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dùng cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Lan Phương

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích