Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí

10:31 16/07/2023

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, Zalo nở rộ các bài đăng “Tuyển người mẫu nhí” với lời quảng cáo hấp dẫn như giúp trẻ tự tin, phát triển kỹ năng sống và có thu nhập cao. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con dự tuyển nhưng sau đó bị lừa hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Rầm rộ tuyển mẫu nhí trên mạng

Tuyển người mẫu nhí lương cao, tạo cơ hội cho con cái phát triển tài năng, sự tự tin trong giao tiếp… đó là những lời quảng cáo có cánh của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội.

Quả thật, chỉ cần gõ từ khóa “tuyển mẫu nhí” trên Facebook, kết quả sẽ cho ra hàng loạt các fanpage với lời quảng cáo có cánh như “Người mẫu nhí - tỏa sáng tương lai bé”, “Ngôi sao nhí - Model Kids”, “Siêu mẫu nhí 2023”… Những fanpage này đều chạy quảng cáo, có hàng chục nghìn lượt người theo dõi,  thường xuyên đăng tải các nội dung tuyển người mẫu nhí "làm việc tại nhà" với chào mời lương, thưởng hấp dẫn.

Chỉ cần gõ từ khóa “tuyển mẫu nhí” trên Facebook, kết quả sẽ cho ra hàng loạt các fanpage với lời quảng cáo có cánh

Theo thông tin các trang này đăng tải, độ tuổi đăng kí xét tuyển là các bé từ 2 tuổi đến 14 tuổi. Các quyền lợi hấp dẫn liên tục được đưa ra như: trở thành người mẫu nhí chính thức của công ty thời trang nổi tiếng, được tài trợ toàn bộ cho mỗi buổi chụp, được hỗ trợ lương cơ bản là 3-10 triệu/tháng.

Ngoài ra, phụ huynh được hứa hẹn sẽ nhận thêm phần trăm hoa hồng theo sản phẩm quảng bá… Với viễn cảnh con mình “bé xíu” đã biết kiếm tiền và tương lai rộng mở cho cả gia đình, những fanpage này thu hút được rất nhiều các bậc phụ huynh quan tâm và tham gia.

Một fanpage quảng cáo: “Tuyển mẫu nhí cho bộ sưu tập mùa hè mới, không giới hạn chiều cao và cân nặng. Tuổi từ 2 - 14 tuổi. Vui vẻ, xinh xắn, hay cười… Ưu tiên các bé đã có kinh nghiệm chụp ảnh thời trang hoặc chụp mẫu nhí. Cùng với đó là rất nhiều các quyền lợi hấp dẫn như: các bé sẽ có cơ hội trở thành mẫu nhí thời trang, được miễn phí chụp tất cả các concept tại studio, được hỗ trợ trang phục, phụ kiện trong buổi chụp...

Đặc biệt, rất nhiều fanpage giả mạo các thương hiệu thời trang lớn để tuyển mẫu nhí. Một page giả mạo thương hiệu Canifa đăng tải: “Công ty thời trang mẫu ảnh Canifa xin thông báo tuyển mẫu ảnh mùa hè kì 2023. Để chuẩn bị cho những bộ sưu tập mùa hè cho các bé! Cùng tham gia show chụp ảnh fashion kid của những thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Phụ cấp cho bé từ 10 triệu đồng/tháng (chưa tính % hoa hồng khi bé chính thức chụp ảnh cho công ty). Được giao lưu với những người mẫu chuyên nghiệp. Miễn phí chụp tất cả các concept tại studio. Được hỗ trợ miễn phí trang phục, phụ kiện trong buổi chụp. Được nhận toàn bộ ảnh gốc + ảnh đã chỉnh sửa. Lưu ý: (Chủ động về thời gian, chỉ chụp vào cuối tuần không lo ảnh hưởng đến việc học của bé). Để đăng ký quý phụ huynh vui lòng inbox trực tiếp cho Fanpage để được tư vấn và hỗ trợ nhé”.

Thương hiệu Canifa đã phải đưa ra cảnh báo, nhãn hàng không tuyển mẫu nhí qua bất kỳ hội nhóm và fanpage nào trên nền tảng Facebook. Đặc biệt, Canifa khuyến cáo các gia đình cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em, phòng ngừa đối tượng lợi dụng mục đích xấu. Không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí đã được báo chí cảnh báo từ lâu nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy. Thủ đoạn chính của các đối tượng lừa đảo vẫn là thông qua mạng xã hội Facebook hoặc Zalo, nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Đối tượng chúng nhắm đến thường là các bà mẹ bỉm sữa, có con nhỏ, những người thích chụp ảnh, thích thời trang. Đánh vào tâm lý của các bà mẹ vừa muốn con được mặc đồ đẹp, có hình đẹp, vừa có tiền, biết đâu lại nổi tiếng… các đối tượng lập các fanpage, chạy quảng cáo với hàng chục nghìn người theo dõi, liên tục update hình ảnh quảng bá thương hiệu sản phẩm cũng như các mẫu nhí trên trang để tạo lòng tin cho các bậc phụ huynh.

Sau khi phụ huynh “cắn câu”, chúng sẽ lập một group chat để mời tham gia thử thách. Nếu không tham gia, sẽ không được ứng tuyển mẫu nhí nữa. Khi được phụ huynh hỏi vì sao công việc chụp ảnh lại có nhiệm vụ như vậy, tư vấn viên lập tức đưa ra hàng loạt lợi ích hấp dẫn như để thể hiện sự gắn bó với công ty, nếu bé tham gia mẫu nhí sẽ có điểm tựa thương hiệu lớn, thúc đẩy thương hiệu phát triển…

Thương hiệu Canifa cảnh báo nhãn hàng không tuyển mẫu nhí qua bất kỳ hội nhóm và fanpage nào trên nền tảng Facebook

Số lượng các bài đăng tuyển người mẫu xuất hiện với tần suất liên tục hàng ngày. Không khó để các bậc phụ huynh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng sẽ từng bước lấy lòng tin của phụ huynh bằng cách yêu cầu làm việc với các chuyên viên tư vấn thông qua ứng dụng Zalo.

Sau đó được thêm vào nhóm các thành viên trên ứng dụng Telegram có dấu tích xanh. Khi con mồi sập bẫy, các đối tượng sẽ dẫn dắt các bậc phụ huynh vào các hội nhóm để tự động xuống tiền “mua” giấc mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp cho các con.

Các đối tượng thường tỏ ra rất am hiểu tâm lí, tận tình hướng dẫn phụ huynh hoàn thành hồ sơ đăng kí dự tuyển. Sau khi hồ sơ hoàn tất, chúng bắt đầu màn lừa đảo bằng chiêu “Thử thách tạo tương tác cho sản phẩm”, gồm 3 bước thao tác: Nhấn vào link đơn hàng từ thông báo, Tìm sản phẩm và chụp ảnh sản phẩm rồi gửi lại lên nhóm, đợi hệ thống xác nhận.

Những lời hứa hẹn cho rằng, việc hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp mẫu nhí có thể nhận hợp đồng, các bậc phụ huynh lại còn được nhận được số tiền lãi tăng theo cấp độ.

Thử thách đầu tiên thường dễ thực hiện, phụ huynh chỉ cần like link sản phẩm mà các đối tượng này cung cấp, sau đó sẽ nhận được tiền tài trợ chuyển vào tài khoản cá nhân, tuy nhiên số tiền này sẽ được giữ lại sau khi hoàn thành thử thách tiếp theo.

Ở nhiệm vụ thứ hai, các đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện yêu cầu mua hàng và thanh toán chuyển khoản với lí do ủng hộ các sản phẩm của công ty, cùng với “món hời” sẽ được chuyển hoàn tiền lại 100% số tiền, cộng thêm 10% tiền hoa hồng. Tuy nói rằng đây không phải nhiệm vụ bắt buộc nhưng nếu không làm thì sẽ không đủ điều kiện qua vòng xét tuyển hồ sơ.

Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào một số tài khoản cá nhân. Cùng lúc đó, đối tượng trong vai “chuyên viên tư vấn” của nhãn hàng liên tục nhắn tin cam kết sẽ nhận được tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ để làm tăng niềm tin từ phía các vị phụ huynh. Khi số tiền ngày càng tăng, nạn nhân không còn tài chính để nộp tiền thì ngay lập tức các đối tượng sẽ khóa nhóm, cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn nhận được đường link bình bầu giọng hát và cuộc thi người mẫu nhí. Khi nhấp vào các đường link này, người tham gia được yêu cầu nhập mật khẩu Facebook, Zalo. Ngay lập tức đối tượng sẽ chiếm đoạt Facebook và các tài khoản mạng xã hội để đi vay tiền nhằm lừa đảo.

Để phòng tránh lừa đảo và những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân không nên cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết. Đặc biệt cần cẩn trọng đối với các chương trình tuyển mẫu nhí trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu.

Trường hợp cần thiết để tham gia tuyển mẫu nhí phụ huynh nên đề nghị được gặp mặt trực tiếp để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Đặc biệt không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước.

Người dùng cần tỉnh táo trước các bài đăng trên mạng, tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo.

Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi và tuyệt đối không click vào những đường link lạ. Ngoài ra, người dân nên cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện và nên lưu ý rằng các cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ gọi điện yêu cầu, hỗ trợ người dùng thực hiện các hướng dẫn trực tuyến trên mạng.

Lan Phương

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích