Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH

17:29 27/11/2023

Tại Điều 3, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động.

Theo đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

So với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung một nội dung mới trong quy định về vị trí của Cảnh sát cơ động là “lực lượng vũ trang nhân dân”. Quy định này phù hợp với tính đặc thù trong tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta về lực lượng vũ trang. Theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2019 quy định lực lượng vũ trang nhân dân gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

Trong khi đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân. Đồng thời, tại các luật về một số lực lượng đã được Quốc hội thông qua như Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đều xác định Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, việc quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tương đồng với quy định về vị trí, chức năng như các lực lượng vũ trang khác được quy định tại các luật hiện hành. Đồng thời, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách và bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, tại Điều 3 Pháp lệnh quy định: “Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Qua 8 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng trong thực hiện biện pháp vũ trang chống hoạt động phá hoại an ninh, biểu tình, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp các băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt..., góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, Luật Cảnh sát cơ động tiếp tục quy định chức năng của Cảnh sát cơ động là “lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Như vậy, Điều 3 của Luật quy định khái quát, mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động từ đó làm cơ sở để cụ thể hóa thành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn tại các điều, khoản cụ thể của Luật.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông