Chuyên mục Luật Phòng, chống rửa tiền: Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính trong phòng, chống rửa tiền

14:49 14/11/2023

Tại Điều 49, Chương III, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 4 khoá XV, ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Trách nhiệm của Bộ Công an” trong phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, Bộ Công an có 7 trách nhiệm sau:

Một là. Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Hai là. Thông báo kết quả xử lý thông tin có liên quan đến giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ba là. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm về rửa tiền.

Bốn là. Trao đổi thông tin, tài liệu về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm rửa tiền trong nước và nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm là. Chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Sáu là. Thực hiện tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Bảy là. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này; thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền đối với các loại tội phạm nguồn có rủi ro cao quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này.

Cùng với đó, tại Điều 50 chương này của Luật cũng đưa ra 3 trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong phòng, chống rửa tiền như sau:

Một là. Trao đổi thông tin, tài liệu về hoạt động rửa tiền nhằm tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong nước và nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hai là. Chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ba là. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này.

Và Điều 51 Chương này của Luật quy định 3 trách nhiệm của Bộ Tài chính trong phòng, chống rửa tiền như sau:

Một là. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, dịch vụ kế toán, trò chơi điện tử có thưởng, casino, xổ số, đặt cược và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Hai là. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó có căn cứ vào kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo đó.

Ba là. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này; thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đối với lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông