Chuyện về nghề… “lái cau”: Bài 3 - Những tỉ phú từ nghề… “lái cau”

15:02 13/11/2023

Ăn trầu cau vốn là phong tục đẹp của người Việt. Cuộc sống đổi thay, giờ chẳng mấy ai còn nhai trầu bỏm bẻm. Quả cau, têm trầu giờ chỉ còn có mặt trong lễ cưới hỏi như một biểu tượng cho tình yêu đôi lứa. Thị trường tiêu thụ thu hẹp nên đã có những lúc cau già chín vàng rụng kín sân vườn không ai buồn nhặt…
Cơ sở thu mua cau của chị Hồ Thị Mai, ở xã Cao Nhân

Thế nhưng, quả cau bỗng nhiên trở thành mặt hàng “hot” khi từ đầu những năm 2000, thị trường xuất khẩu cau sấy khô sang Trung Quốc trở nên sôi động. Về xã Cao Nhân những ngày này mới thấy, thương hiệu cau Cao Nhân đã “hút” gần như toàn bộ lượng cau các nơi đổ về. Vốn là người địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Nhân Nguyễn Văn Tiến thuộc làu về “thăng trầm” của quả cau mà không cần sổ sách.

Đó là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, theo đề án chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xã Cao Nhân chuyển đất lúa sang trồng cau và chuối. Nhưng cây chuối chỉ trụ trên đồng đất này vài năm, sau dần dần phải nhường chỗ cho cau. Hàng nghìn hộ trong xã, không nhà nào không có cau. Nhà ít cũng một sào Bắc Bộ, nhà nhiều tới cả nghìn cây, trong đó thôn Nhân Lý nhiều cau hơn cả. Phong trào trồng cau lan dần sang một số xã khác trong huyện như Chính Mỹ, Hợp Thành, Thiên Hương, Kênh Giang rồi cả Gia Minh, Gia Đức… Mươi, mười lăm năm trước, khi thị trường còn hẹp, cau hầu như chỉ sử dụng trong dịp hiếu hỷ, lễ hội, sau khi mở cửa thông thương với Trung Quốc, cau Cao Nhân đã tìm đường “vượt biên”xuất ngoại. Từ năm 2007, làng cau Cao Nhân đã được Chủ tịch UBND thành phố công nhận là làng nghề. Có lẽ duy nhất trong cả nước có Cao Nhân được công nhận làng nghề trồng cau và chế biến cau.

Nằm ngay trục đường chính vào xã là “đại lý” của vợ chồng chị Hồ Thị Mai có gần 20 năm với nghề thu mua cau tươi rồi cung cấp lại cho các lò sấy để ăn “hoa hồng”. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Mai nhập về hàng tấn cau tươi. Những tay “lái cau” cứ thế rong ruổi cả ngày khắp làng trên xóm dưới để tìm trèo hái cau, chiều tà lại mang về “đại lý” để cân thu mua lại. Thời gian đầu, lượng giao dịch mỗi ngày chỉ khoảng 5 -15 tấn cau tươi. Nhờ làm ăn uy tín, quy mô đại lý lớn dần, có thời điểm gia đình chị Mai thu mua lên tới hàng chục tấn cau tươi/ngày.

“Trước kia các lò sấy chủ yếu bằng than đá, củi đốt liên tục trên dưới mười ngày thì cau “chín”. Giờ thì đa số các lò chuyển sang sấy bằng điện, tiện lợi, đỡ mất công thức khuya thêm than thêm củi và nhất là không gây ô nhiễm môi trường nên nhiều lúc không đủ cau tươi để cấp”, chị Mai kể. Theo lời chị Mai, hiện giá cau tươi có giá khoảng 15.000 đồng/kg, so với năm ngoái, năm kia có giảm nhưng cơ bản ổn định. Nhà nào có chừng 100 cây cau trổ buồng thì mỗi năm kiếm ít nhất 25 đến 30 triệu đồng. So với lúa thì cây cau quả là tín hiệu vui cho nông dân. Cây cau “lên đời”, nghề buôn cau cũng nhộn nhịp trở lại và cho thu nhập đáng kể.

Nhiều người thắc mắc Trung Quốc nhập cau khô làm gì khi người dân nước họ đâu có ăn trầu như ông bà mình? Câu hỏi được chị Mai giải đáp tường tận rằng họ nhập về bổ quả cau làm hai, tẩm thêm các loại gia vị. Thế là loại kẹo làm bằng cau khô ra đời và được xuất bán sang thị trường châu Âu, nơi người xứ lạnh cần món kẹo ấm, nồng để chống lại cái lạnh của băng giá.

“Ở đây nhiều người đã nếm ăn loại kẹo cau đặc biệt này rồi. Vị nó đặc biệt lắm. Vừa cay, vừa ngọt, vừa nồng, có người ăn say quay mòng mòng”, chị cười bẽn lẽn như cô gái lần đầu ăn trầu say thuốc ngày xưa…

Dọc theo thôn xóm của xã Cao Nhân, sẽ dễ dàng nhận ra mùi cau luộc  ngai ngái thơm thoang thoảng toả khắp các con đường dọc dài quanh làng. Như lời của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiến, cả xã Cao Nhân hiện có gần 40 cơ sở thu mua, chế biến cau xuất khẩu. Trong đó có 30 lò sấy tập trung ở các thôn Thái Lai, Nhân Lý. Có thể kể tên những lò sấy xuất khẩu cau với số lượng lớn ở xã  như hộ anh Hà Văn Quang, Hà Văn Thạo, Tô Đình Cường, Phạm Văn Tuân… Những năm gần đây, nhiều người trẻ mạnh dạn đầu tư vốn tiền tỷ, xây dựng nhà xưởng, lò sấy.

Tại xưởng lò sấy của gia đình anh Phạm Văn Tuân, ở thôn 4 trong sân là hàng chục người lớn tuổi đang miệt mài vặt cau, phân loại cau. Gần đó là một lò đang đỏ lửa luộc cau, người ra người vào tấp nập, vui như trảy hội. Theo lời anh Tuân, sấy cau không khó, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn. Cau sau khi được vặt cho vào luộc khoảng 2 - 4 tiếng tuỳ loại.

Sau đó cho vào sấy 3,5 - 4 ngày mới xong một mẻ. Vào những ngày cao điểm, gia đình anh thu mua khoảng chục tấn cao tươi. Một mùa sấy được đến hàng nghìn tấn. Trung bình, cứ 5 tấn cau tươi sẽ ra được 1 tấn cau khô. Tất nhiên, sau khi cau được sấy khô lại tiếp tục trải qua một đợt sàng lọc kỹ càng, chỉ những quả đạt chất lượng mới được đóng container xuất bán sang Trung Quốc.

Nghề vặt cau trước khi luộc sấy giúp nhiều lao động có thêm thu nhập từ 200-400 nghìn đồng/ngày

Bỗng dưng có được “đầu ra”, cây cau quay lại thời hoàng kim. Gia đình anh Tuân mở rộng thêm 2 cơ sở khác, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Như vụ cau năm 2021 là năm “đỉnh” của đại dịch Covid-19  nhưng thị trường Trung Quốc lại thu mua trái cau với số lượng rất lớn nên giá bán cao từ 70-90.000 đồng/kg cau tươi, 400-500 nghìn đồng/kg cau khô. Người trồng, thương lái rất phấn khởi. Không đủ lượng cau trong nước, anh Tuân còn phải nhập cau từ các nước như Miama, Lào, Thái Lan… để về chế biến xuất khẩu.

Cũng vì thế mà dân làm cau sấy xuất khẩu như anh cứ lang bạt khắp nước, tháng 5-6 vào các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ dựng lò, mua cau sấy, đến tháng 6-7 dịch ra Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến tháng 8-9 anh mới về quê “khai lò” cho đến tháng 4 năm sau là hết vụ. Cau Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Hà Nam, Nam Định… thuộc loại cau mùa còn cau Cao Nhân thuộc loại cau chiêm rất muộn, khi tất cả đã hết thì nơi đây mới vào vụ.

Thành phẩm cau khô trước khi xuất khẩu tại cơ sở của anh Phạm Văn Tuân, ở xã Cao Nhân

Mừng vui là vậy, nhưng kỳ thực quả cau Cao Nhân cũng đã trải qua nhiều “nốt” thăng trầm. Đó là những năm 2000, thời tiết khắc nghiệt nạn dịch vàng lụi hay nôm na là “cau bung” tàn phá xơ xác hai làng cau nổi tiếng Nhân Lý và Thái Lai. Hàng loạt những vườn cau cổ thụ, danh tiếng bị bung hết. Trong những vườn cau của xã, chỉ còn trụ lại vài vườn là cho thu nhập khá, còn không đều ở tình trạng “tứ chứng nan y”. Khi cây hỏng, dân làng chặt thu lấy bắp cau, bóc hết bẹ để lộ ra một cái lõi trắng ngần. Nõn cau thái mỏng đem luộc rồi chắt hết nước hăng ra, ninh với xương chó thì vị ngọt, giòn sậm sựt.

Còn với  những người làm nghề như anh Tuân, dù đã ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc, tuy nhiên họ chỉ đảm bảo sản lượng tiêu thụ, còn giá cả lại phụ thuộc vào thị trường. Bởi thế đã có thời điểm, hàng đoàn xe chở cau khô từ Cao Nhân xuất đi, nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn vì không bán sang Trung Quốc được. Những người buôn cau phải thuê kho chứa, ăn chực nằm chờ nhiều ngày trời nhưng cũng không bán được, cau mốc hỏng, phải đổ bỏ toàn bộ. Họ trở về, đóng cửa các lò cau.

Ít có loại cây nào cho quả bốn mùa như cây cau. Bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, khi hương xuân còn vương vấn đâu đó trước hiên nhà thì hàng cau quanh vườn đã âm thầm nở hoa trắng bẹ. “Được mùa cau thì đau mùa lúa”, những năm được mùa thì cau rẻ, mất mùa thì cau mới đắt. Được mùa thì người trồng, thương lái đều vui, nhưng khi cau rẻ có lúc chỉ từ 1-2 nghìn đồng/kg, người trồng cau tiếc không bán, cứ để vậy rồi buồn rầu nhìn những buồng cau vàng như bông lúa trút quả vàng xuống kín gốc... Người trồng cau luôn nhắn nhủ rằng, người không phụ cau thì cau cũng không phụ người, năm đắt cũng như năm rẻ, họ luôn chăm sóc cho cây cau của mình. Vì thế mà cây cau luôn đứng vững vàng để cuối cùng những quả cau ngon đẹp được đưa đi khắp nơi.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích