Chuyện về nghề… “lái cau”: Bài 2 - Nghề tìm người

15:02 13/11/2023

Nồng nàn hương mỗi độ xuân hè hoa cau nở rộ. Đẫm hương mỗi sáng tinh mơ cũng như mỗi hoàng hôn buông xuống. Hương cau vương nhẹ cả ngày dài trong từng sợi nắng hè gay gắt. Và đêm xuống, trăng lên, dường như ánh trăng xanh cũng ngọt lịm hương cau. Tinh tế, chừng mực, bí ẩn là hương cau. Một buồng hoa cau nở đã đủ nghe thoang thoảng mùi hương; nhưng cả một vườn hoa cau đua nở dẫu cho có nồng nàn hơn thì vẫn cái nồng nàn dịu nhẹ, thanh lịch, kiềm chế, không “gây sốc” giác quan người!

Khó là vậy nhưng với người trèo cau, chỉ cần một đoạn dây “thòng” bằng vải hình số 8 tròng vào hai chân, một con dao díp bỏ túi và những ngón nghề hít, trườn, tuột... là có thể kiếm ra tiền. Riêng bà Mùi, có “mục sở thị” mới không khởi ngạc nhiên, người phụ nữ này ở cái tuổi gần 60 nhưng bà vẫn trèo thoăn thoắt.

Leo cau cũng phải có tuyệt kỹ. Người trèo phải biết kết hợp lực ở tay và chân. Di chuyển từ gốc lên ngọn cau phải uyển chuyển, nhịp nhàng để không lỡ nhịp, nếu trượt khỏi thân cau khá nguy hiểm. Quan trọng nhất khi trèo cau, sợi dây thòng phải được kẹp chặt vào hai chân làm bệ đỡ giúp chân bám chặt thân cây vững chắc. Dùng dây thòng không quen sẽ làm tay và chân tê mỏi. Với những người có thâm niên, họ biết nhìn thân cau để quấn thòng phù hợp.

Đặc biệt, nhiều tay leo cau thượng thừa còn có màn “bay” từ cây này sang cây khác như làm xiếc. Đó là khi gặp hai cây cau gần nhau, hái xong cây này là “bay” sang cây kia để đỡ công trèo lên tuột xuống. Cũng vì thế, dân leo cau cũng có thể chết vì cái sự khoe tài khoe sức, như lời của một “lão làng” nghề leo cau tên Cảnh ở thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ. Người đàn ông này kể rằng, trước đây những vườn cau ngút  ngàn xanh mướt ở xã Chính Mỹ là “lãnh địa” của ông. Nhà ai có cau tới mùa thu hoạch là ông “nắm lịch” hết. Thế rồi, vào đầu những năm 2000, ở xã bên cạnh là Cao Nhân có lò sấy cau nên dân địa phương đổ xô theo nghề buôn cau, ông chỉ còn một ít bạn hàng thân thiết.

Nay ông Cảnh đã đi qua “thời oanh liệt”, thanh niên thời nay lắm người ỷ sức thường đu mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn khác để hái cho nhanh. Cứ như người nhện trong phim chiếu trên tivi. Nhưng nguy hiểm ở chỗ khi ước lượng không chính xác khoảng cách giữa hai cây cau là có thể dễ dàng “rơi tự do” đến bệnh viện như chơi.

Người kinh nghiệm chỉ “bay” khi khoảng cách tối đa giữa hai ngọn cau không quá 1-2 mét. Còn hơn nữa thì chịu khó tuột xuống vậy. “Nghề nào cũng có những hiểm nguy rình rập, chỉ cần bất cẩn là có thể bỏ mạng như chơi. Tai nạn của nghề trèo cau, ngoài khoe tài “bay” còn do cau gãy. Cây cau nổi tiếng là loại dẻo dai nhất, những cơn bão miền Bắc vốn dữ dằn nhưng cũng chẳng làm cau gục ngã”, ông Cảnh bảo.

Nhưng chỉ cần một vết xước lâu ngày nước thấm vào trong là thân cau mục ruỗng. Vì vậy, người trèo cau phải biết lắng nghe âm thanh từ cây cau. Nếu thấy cây kêu răng rắc thì tuột xuống ngay lập tức kẻo mang họa vào thân. Té cau thường bị thương rất nặng, nhẹ gãy xương, nặng thì vong mạng. Bởi cây cao, thẳng đứng, không cành lá đỡ người khi rơi. Đó là chưa kể, trên ngọn cau nhiều khi có ong vò vẽ, kiến càng, thậm chí có cả rắn rết. Nếu không để ý rất dễ gặp nguy hiểm.

Để có những kinh nghiệm thuộc loại “sống còn” đó, chàng trai trẻ Đỗ Văn Công, ở xã Quảng Thanh phải rong ruổi theo những tay trèo cau lâu năm cả năm trời. Với những thợ mới vào nghề thì sợ nhất là trèo phải cau tơ lại gặp trời mưa vì thân cây trơn, dễ trượt nên phải lần từng đốt, còn cau già, thân sần sùi dễ trèo hơn. “Ban đầu chưa quen, trèo lên đến ngọn cau nhìn xuống dưới đất chóng mặt, hoa mắt. Giờ thì leo quen nên thân cau nào cũng làm được hết”, Công nói.

Không chỉ học kỹ thuật leo cây mà còn luyện đôi mắt để biết cau già, cau non mà hái. Thường thì mỗi cây cau trổ từ 4 đến 5 buồng theo thứ tự: buồng anh, buồng em, buồng út. Mỗi buồng sau khi vặt cành, cân nặng từ 2 đến 5 kg. Người có “mắt nghề” chỉ cần nhìn thoáng qua là quyết định chính xác gần mười mươi ngay.

Nồng nàn hương mỗi độ xuân hè hoa cau nở rộ. Đẫm hương mỗi sáng tinh mơ cũng như mỗi hoàng hôn buông xuống. Hương cau vương nhẹ cả ngày dài trong từng sợi nắng hè gay gắt. Và đêm xuống, trăng lên, dường như ánh trăng xanh cũng ngọt lịm hương cau. Tinh tế, chừng mực, bí ẩn là hương cau.

Một buồng hoa cau nở đã đủ nghe thoang thoảng mùi hương; nhưng cả một vườn hoa cau đua nở dẫu cho có nồng nàn hơn thì vẫn cái nồng nàn dịu nhẹ, thanh lịch, kiềm chế, không “gây sốc” giác quan người! Cây cau “bán đứng”, tức ngã giá xong, người mua tự leo bẻ buồng; người bán chỉ đứng coi và đếm. Nhìn những người mua cau thoăn thoắt trèo, nhún mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn cau khác, thú thực cái nghề “ăn cơm mặt đất… làm việc trên trời” thật không hề dễ dàng.

(Còn nữa)

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông