Đất vải Thanh Hà (Hải Dương) - Miền Tây thu nhỏ giữa vùng đồng bằng sông Hồng

14:25 12/07/2023

Tuy đã là cuối vụ vải nhưng vùng đất Thanh Hà – Hải Dương vẫn còn điểm xuyết màu đỏ của thứ quả ngọt thơm đặc trưng mà bất kỳ ai đặt chân đến cũng dễ dàng thấy được. Đây cũng chính là nguồn thu giá trị chính cho Thanh Hà trong 6 tháng đầu năm.
Vùng đất vải thiều Thanh Hà được ví như miền Tây thu nhỏ giữa đồng bằng sông Hồng

Trải nghiệm mùa vải

Huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương được bao quanh bởi có các con sông lớn như Thái Bình (ở phía Tây Nam), sông Rạng, sông Văn Úc (ở phía Đông Bắc). Phía trong lại có những sông nhỏ như sông Gùa, sông Hương và các kênh, rạch chạy len lỏi khắp nơi đã tạo thành mạng lưới sông ngòi dày đặc, nối làng mạc này với làng mạc khác, vườn cây này với vườn cây khác. Cùng với hai loại nông sản đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao là vải và ổi, hệ thống sông ngòi này chính là ưu điểm thiên nhiên được trời phú để Thanh Hà có điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mang âm hưởng của miệt vườn sông nước miền Tây.

Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Trịnh Văn Thiện cho hay, thời gian qua, du lịch sinh thái miệt vườn, trải nghiệm gắn với các loại trái cây cũng góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu vải thiều Thanh Hà, ổi Thanh Hà Hải Dương nói riêng và các loại nông sản khác nói chung. Chỉ tính riêng vụ vải năm 2023, khu du lịch Đồng Mẩn thuộc xã Thanh Khê huyện Thanh Hà và khu bảo tồn cây vải tổ tại xã Thanh Sơn đã đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế. Đây là những con số tích cực nói lên sự hấp dẫn của du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thanh Hà cũng là nơi có cây vải tổ gần 200 năm tuổi, nơi xuất phát của quả vải thiều trên khắp Việt Nam, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải xứ Đông ngon trứ danh. Huyện đã quan tâm làm đường nhựa, xây dựng biển chỉ đường cho khách tham quan vào tận gốc cây tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Điều đặc biệt là cây vải dù đã gần 200 năm tuổi nhưng mỗi năm đến mùa vẫn cho ra trái mang vị ngon đặc biệt.

Theo chị Nguyễn Mai Linh, một du khách Hải Phòng: Không những chỉ cây vải tổ cả làng vải thiều chín rộ và bước vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, các nhà vườn dù rất bận rộn thu hoạch vải nhưng vẫn vui vẻ, niềm nở đón khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn. Ngoài được hái trải nghiệm vải, du khách còn có được cảm giác rất yên bình và mơ mộng. Tuy nhiên theo chị Lan Anh, để khai thác tốt tiềm năng du lịch của Thanh Hà, địa phương cần quảng bá nhiều hơn.

Thống kê cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 8.880 ha vải, tập chung chủ yếu ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Trong đó, riêng sản lượng vải thiều Thanh Hà năm nay đạt khoảng 40.000 tấn, ước tính nông dân thu hơn 1.000 tỷ đồng. Vải xuất khẩu đạt khoảng 60% sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... và 40% tiêu thụ trong nước. Thu hoạch đến đâu, người dân dọn vườn vải, tỉa cành đến đó và bắt đầu chăm sóc mùa vải mới. Các phòng chuyên môn của huyện đã có hướng dẫn cụ thể giúp nông dân sản xuất, chăm sóc vải thiều sau thu hoạch. Để gia tăng giá trị nông sản chủ đạo của huyện, Bí thư Huyện ủy Trịnh Văn Thiện cho biết, định hướng tiếp theo, Thanh Hà sẽ quy hoạch những vùng chuyên canh về ổi và vải. Hiện nay vải Thanh Hà đang được trồng gần như khắp huyện, thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển những loại vải sớm. Đối với vải chính vụ khiêm tốn hơn, nhưng sẽ vẫn tập trung phát triển để duy trì, bảo tồn, lưu giữ giống vải lâu năm của Việt Nam. Cụ thể, huyện đã có kế hoạch quy hoạch vùng vải: vải sớm, vải chính vụ. Những vườn vải hiện đang trồng xen kẽ khu dân cư lẻ tẻ, hiệu quả kinh tế thấp sẽ được thay thế bằng việc xây dựng các vùng tập trung chuyên về vải để tạo ra năng suất và giá trị cao hơn.

Hướng đến chuyên nghiệp

Được biết, để hướng đến du lịch trải nghiệm miệt vườn chuyên nghiệp đầu năm 2023, huyện Thanh Hà đã thành lập Tổ cộng tác viên hướng dẫn du lịch với 15 thành viên. Tổ có nhiệm vụ giúp UBND huyện hướng dẫn, giới thiệu, cung cấp các thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch. Đây cũng là kỳ vọng của huyện vào sự đổi mới hướng dẫn du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn.

Vải thiều Thanh Hà được trưng bày, giới thiệu tại Hải Phòng

Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà: Không chỉ triển khai bài bản về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực phục vụ du lịch, huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch sinh thái miệt vườn huyện Thanh Hà được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin từ Trung ương đến địa phương, các website, mạng xã hội nhằm thu hút khách du lịch. Hằng năm, địa phương xây dựng nguồn thông tin, tư liệu in trên 15.000 tờ gấp giới thiệu các tuyến, điểm du lịch sinh thái, tham quan di tích; chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu sinh thái. Thông qua các hoạt động này, người dân đã dần hình thành ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự. Huyện chỉ đạo các xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, khai thác nguồn tài nguyên hiện có là các vườn cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều.

Chia sẻ về cảm nhận của các du khách khi đến Khu du lịch Đồng Mẩn, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết đang ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực, đã có nhiều du khách ví đây là Miền tây thu nhỏ. Thanh Hà hứa hẹn trong tương lai sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. “Từ việc trải nghiệm và nâng cao giá trị nông nghiệp, kết hợp các hoạt động chèo thuyền trên các dòng sông với trải nghiệm thưởng thức hoa quả theo mô hình miệt vườn sông nước miền Tây. Thanh Hà xác định kết hợp du lịch và nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhiệm kỳ 2020 – 2025”, ông Định nhấn mạnh. Tuy nhiên cũng theo lãnh đạo huyện , bên cạnh sự vào cuộc tích cực của huyện thì một số xã còn chưa chủ động khai thác tiềm năng du lịch, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, chưa khuyến khích được nhiều người dân phát triển du lịch, chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ tham gia. Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch sinh thái chưa đồng bộ, đầu tư cho du lịch sinh thái còn thấp, chưa tạo động lực cho chính quyền, nhân dân.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông