Đề xuất 34 tỉnh, thành phố sẽ hoạt động ngay từ 1/7/2025

21:42 11/06/2025

Sáng 11/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, khẳng định việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; quá trình thực hiện phải thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Theo tờ trình, sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh. 

Cũng theo tờ trình, tổng hợp từ các địa phương, sau tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo định mức được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh thuộc 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 447.657 người (gồm: 2.321 cán bộ, 79.118 công chức, 366.218 viên chức).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Về bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổng hợp theo số liệu báo cáo của các địa phương, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 38.182 trụ sở; tiếp tục sử dụng 33.956 trụ sở; dôi dư 4.226 trụ sở. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, cho biết, Ủy ban tán thành với các phương án sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2025 như đã thể hiện tại đề án. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự sáng suốt, quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp các ĐVHC với quy mô chưa từng có trên cơ sở phù hợp với trình độ phát triển, năng lực quản lý và yêu cầu về mở rộng không gian phát triển, kết hợp với điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phân bổ và kết hợp các nguồn lực để tạo nền tảng ổn định lâu dài và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược và dài hạn trong kỷ nguyên mới. 

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị xác định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội biểu quyết thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai công tác bàn giao, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm để chính quyền địa phương ở các ĐVHC hình thành sau sắp xếp có thể sớm chính thức bắt đầu hoạt động theo kế hoạch chung của Trung ương (có thể là từ ngày 1/7/2025).

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ 

 Thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị cập nhật rõ ranh giới của các tỉnh sáp nhập cũng như không sáp nhập; có cách thể hiện rõ hơn ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp là mở rộng không gian phát triển, vị thế  địa chính trị; cần cập nhật Luật  biên giới quốc gia và Luật biển để xác định rõ  ranh giới quốc gia trên bộ cũng như  ranh giới quốc gia trên biển.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9 sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua trước đó, ngày 12/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ xây dựng 23 phương án sắp xếp đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

Cụ thể, nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh mới, có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hoà Bình và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.

Nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà hiện nay.

Nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Nhập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.

Nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông