Du lịch học đường: Chuyên nghiệp hoá để phát triển bền vững

    08:12 22/05/2024

    Thời gian qua, hoạt động tham quan lồng ghép trải nghiệm, học tập trực quan được nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố lựa chọn, nhất là vào những ngày lễ lớn hay trong dịp nghỉ hè. Nắm bắt nhu cầu đó, du lịch học đường đang trở thành sản phẩm được nhiều đơn vị đầu tư, thực hiện bài bản, hấp dẫn vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh bồi đắp tri thức, tích luỹ kỹ năng mềm, vừa tăng sức hút của điểm đến.

    Nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn

    Sau gần 1 tháng tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Hải quân và Khu tưởng niệm Vương triều Mạc cùng các bạn với nhiều hoạt động như chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Bảo tàng và tìm hiểu lịch sử qua các khu trưng bày; nghe thuyết minh về công lao của các vua nhà Mạc trong tiến trình dựng nước và giữ nước, em Nguyễn Thuỳ Linh, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Lê Chân cảm thấy thích thú, phấn khởi vì tích luỹ thêm được nhiều điều hay, kỹ năng mới từ chuyến đi này.

    Còn theo cô Đặng Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Ngô Quyền, việc tổ chức các chương trình hoạt động trải nghiệm được nhà trường quan tâm triển khai từ nhiều năm nay. Nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể hiện cảm xúc tích cực, khai thác và tổng hợp kiến thức các môn học khác nhau để hình thành tri thức, kỹ năng mới góp phần phát huy khả năng sáng tạo và thích ứng với cuộc sống.

    Bên cạnh đó là giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng tự tôn dân tộc cho học sinh. Vì vậy, các đợt tham quan, trải nghiệm thường được các lớp gắn với những sự kiện lịch sử, văn hoá quan trọng như: Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, Ngày Giải phóng Hải Phòng 13/5, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7… Ðịa điểm du lịch học đường phổ biến là những điểm đến di tích lịch sử, bảo tàng, trang trại giáo dục, làng nghề truyền thống… trên địa bàn thành phố nhằm giúp học sinh tiếp cận các tri thức ở các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học… cũng như bồi đắp cho các em kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.

    Trong khi đó, với mong muốn tìm hiểu cuộc sống làng quê thông qua những vật dụng lao động của người nông dân, nhiều khối lớp của các trường học thành phố cũng lựa chọn trang trại Đảo Bầu (huyện An Lão), “Nông trại giáo dục LAM Farm” (huyện An Dương), “Nông trại vui vẻ” (quận Dương Kinh) để tổ chức chương trình giáo dục gắn với chủ đề “bảo vệ môi trường”, “một ngày làm nông dân”, “tìm hiểu quy trình phát triển của cây”.

     

    Học sinh Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân) tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo)

    Hướng tới sự chuyên nghiệp

    Hiện nay, phần lớn các chương trình du lịch học đường đều được xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi, nhằm mang lại hiệu quả giáo dục, tạo sự hứng thú cho học sinh. Các cơ sở giáo dục có thể chủ động liên hệ với điểm tham quan để sắp xếp thời gian tổ chức chuyến đi, hoặc đăng ký “trọn gói” với doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour.

    Với lứa tuổi mẫu giáo, nhiều trường chọn các điểm tham quan gần trường học với thời lượng nửa ngày; đối với học sinh từ tiểu học, đến THCS, THPT, giáo viên và các bậc cha mẹ thường lựa chọn lịch trình trải nghiệm từ 1 đến 2 ngày tại các di tích lịch sử, văn hoá ở Hải Phòng và các địa phương lân cận, như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định.

    Đáp ứng nhu cầu học tập, trải nghiệm ngày càng lớn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, các điểm đến và công ty tổ chức lữ hành dần quan tâm đầu tư cải tạo không gian, cơ sở vật chất và nâng chất lượng, đổi mới, đa dạng các dịch vụ, hoạt động giáo dục, trải nghiệm theo hướng chuyên nghiệp.

    Đơn cử, từ năm 2022 đến nay, nhằm tạo không gian lý tưởng để học sinh vui chơi và trải nghiệm, “Trang trại Du lịch- Trải nghiệm Trường Thành Farm” (huyện An Lão) triển khai thêm nhiều hoạt động phong phú, thú vị, như: Học nấu cơm niêu, đi cà kheo, làm bánh dày, viết thư pháp, bịt mắt đập niêu, tham quan vườn thú, chèo thuyền thúng, đốt lửa trại…

    Anh Tạ Hữu Tiến, phụ trách Lữ hành đại diện Công ty TNHH dịch vụ du lịch và trải nghiệm Tiến Sơn (quận Lê Chân) cho biết: Công ty đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ trải nghiệm, hướng đến đối tượng học sinh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm đơn giản trên địa bàn thành phố: Trải nghiệm gắn với học lịch sử, giáo dục truyền thống văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa tâm linh hướng về đạo học…

    Song, thời gian gần đây, công ty khai thác những điểm đến du lịch, trải nghiệm, sân chơi phù hợp với học sinh và cung cấp các dịch vụ liên quan, như: Xe đưa đón 2 chiều; tổ chức team buidling; tuyển chọn hướng dẫn viên; xây dựng lịch trình; dịch vụ ăn uống… Đặc biệt, công ty rất chú trọng đến yếu tố an toàn của học sinh khi tham gia dịch vụ du lịch, chất lượng các suất ăn, nghỉ của khách; đồng thời liên kết với các đơn vị bảo hiểm uy tín trên địa bàn thành phố để đăng kí bảo hiểm du lịch 24 giờ cho khách hàng; liên kết một số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong các hoạt động của tour, để suốt hành trình bảo đảm có đội ngũ y tế kiểm soát về vấn đề an toàn sức khoẻ cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh.

     

    Thầy và trò Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Lê Chân tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Hải quân

    Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, Hải Phòng có rất nhiều điểm đến phù hợp hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, như Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Hải quân, Khu di tích Bạch Đằng Giang, Bãi cọc Cao Quỳ, Bến tàu không số, rừng ngập mặn Đồ Sơn, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vườn quốc gia Cát Bà…

    Tuy nhiên, hiện nhiều địa điểm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, làng nghề còn thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phụ trợ một cách đồng bộ để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đoàn học sinh trải nghiệm. Do đó, Sở Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Văn hóa - Thể thao cần có sự phối hợp tốt hơn, quan tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các hoạt động trải nghiệm hiện nay.

    Được biết, ngày 27/3/2023, Sở Giáo dục - Đào tạo có Kế hoạch liên tịch số 01 với Sở Du lịch về việc nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch, văn hóa, lịch sử, trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp dành cho học sinh trên địa bàn thành phố. Theo đó, 2 đơn vị tập trung rà soát, tổng hợp các điểm tham quan và điểm cung ứng dịch vụ trên địa bàn thành phố; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các điểm tham quan và điểm cung cấp dịch vụ.

    Đặc biệt, chương trình hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của thuyết minh viên, hoạt náo viên; tổ chức kiểm tra đánh giá, cấp thẻ thuyết minh viên điểm theo quy định… Bởi vậy, để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch học đường chuyện nghiệp, Sở Du lịch và Sở Giáo dục - Đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch này để các trường học, các điểm cung ứng dịch vụ có cơ sở triển khai và áp dụng.

    LINH ANH

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông