Hải Dương đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

17:09 03/12/2023

UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 9) để lắng nghe và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh ước đạt 184.375 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,5% so với năm trước, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

GRDP ước tăng 8,5%

Các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất đánh giá, năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn nhưng Hải Dương đã rất nỗ lực và đạt một số kết quả nổi bật. Hải Dương đã chủ động xây dựng các kịch bản phát triển phấn đấu ở mức cao nhất, do đó kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá so với mức trung bình chung của cả nước và so với một số tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Ford Hải Dương (Công ty TNHH Ford Việt Nam) tại tỉnh Hải Dương

Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước đạt 20.319 tỷ đồng, bằng 115% dự toán; trong đó, thu nội địa 17.450 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 2.789 tỷ đồng. Có 14/16 khoản thu vượt dự toán đầu năm.

Đặc biệt, năm 2023, Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất cao với tổng vốn đăng ký đạt 1,136 tỷ USD, tăng gần 3,1 lần so với năm trước.

Đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký là 11.674 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm trước. Ước cả năm, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới trên 1.800 doanh nghiệp, tăng 15% với tổng vốn đăng ký là 15.000 tỷ đồng. Có 850 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12,6%.

Về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, dự kiến Hải Dương đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, gồm: tỷ lệ vốn đầu tư phát triển, thu ngân sách nội địa, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thuỷ sản, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ làng, khu dân cư văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm.

7 chỉ tiêu đạt mục tiêu đề ra là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ các doanh nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GRDP.

Từng bước thực hiện khâu đột phá

Theo UBND tỉnh dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh trong tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi tốt, sức mua của nền kinh tế tăng, Hải Dương quyết tâm đạt được ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.

Các ngành, lĩnh vực tiếp tục thực hiện các biện pháp để nâng cao giá trị tăng thêm, thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho năm sau; đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình dự án theo tiến độ.

Bên cạnh đó, Hải Dương xác định tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tổ chức công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến, thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả công cụ tài chính, chính sách tiền tệ; chính sách gia hạn, giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và hoàn thuế theo quy định...

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 tỉnh Hải Dương, năm 2024, Hải Dương phấn đấu đạt và vượt 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch; huy động các nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để từng bước thực hiện các khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, bao gồm: năm trụ cột, ba nền tảng hỗ trợ và bốn trục phát triển về không gian.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đảm bảo các cân đối lớn và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô của Nhà nước để duy trì, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, phát triển.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích