Hoạt động thanh tra: Cần chủ động, độc lập

09:50 10/08/2017

Thống kê, trong 6 năm thi hành Luật Thanh tra (từ 2011 đến 2017), lực lượng thanh tra toàn thành phố đã tiến hành 618 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện hơn 300 tỷ đồng sai phạm, gần 21.700 ha đất vi phạm; từ đó kiến nghị thu hồi gần 184 tỷ đồng, hơn 37 ha đất và đề nghị chấn chỉnh về quản lý nhà nước.

Hiện, đã thu hồi hơn 135 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,48%, xử lý về hành chính 66 tổ chức, 102 cá nhân, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 8 vụ với 15 cá nhân.

Cũng trong thời gian qua, lực lượng thanh tra toàn thành phố đã tiến hành hơn 19.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, với gần 20.800 tổ chức, cá nhân sai phạm, số tiền xử phạt vi phạm là gần 50 tỷ đồng, hiện đã thu hồi gần 40 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 98%.

Đầu tư xây dựng cơ bản - lĩnh vực đang được tăng cường quản lý

Từ những con số trên có thể thấy, ngành Thanh tra đã nỗ lực phát hiện và xử lý nhiều vi phạm trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, từ quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, thu - chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, nợ đọng xây dựng cơ bản, chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thực hiện pháp luật về thuế, dạy thêm - học thêm, đến trách nhiệm thủ trưởng của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Việc tổ chức thanh tra luôn có kế hoạch tuân thủ nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, tránh trùng lắp, chồng chéo, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thanh tra.

Đơn cử, trong lĩnh vực y tế liên quan mật thiết đến đời sống người dân, ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ năm 2012 đến nay, ngành đã tiến hành thanh tra hơn 15.600 cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc, sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hơn 2.700 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 2,1 tỷ đồng; cảnh cáo 33 cơ sở, đình chỉ hoạt động 90 cơ sở, đình chỉ lưu thông sản phẩm của 12 cơ sở, tiêu huỷ sản phẩm tại chỗ của 125 cơ sở.

Qua công tác thanh tra, cũng đã phát hiện trường hợp sử dụng bằng bác sỹ giả để  mở phòng khám chữa bệnh nội khoa và ngành đã chuyển cơ quan Công an xử lý. Đồng thời, phát hiện 2 công ty kinh doanh thực phẩm chức năng sai phạm về chất lượng sản phẩm và quảng cáo, chuyển Bộ Y tế xử phạt hành chính và đình chỉ lưu hành sản phẩm trên toàn quốc.

Cũng qua thanh tra, nhiều cơ sở chữa bệnh, kinh doanh thuốc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền cao nhất, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Thậm chí, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp hàng ngàn suất ăn cho các doanh nghiệp, khi đoàn thanh tra phát hiện sai phạm, đã buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động.

Hay như quận Ngô Quyền, qua 28 cuộc thanh tra đã truy thu về ngân sách trên 780 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các đơn vị kê khai, nộp tiền thuê đất và tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hơn 9.400m2.

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão thẳng thắn nhìn nhận: Sự phát hiện của xã hội chỉ dừng ở mức phát giác, phản ánh những biểu hiện mờ ám, thiếu minh bạch, sự giàu lên bất thường của một số công chức…

Còn các cơ quan thanh tra, được xem là “tai mắt” của nhân dân nên không chỉ phát hiện mà còn xác định các dấu hiệu của tham nhũng như hành vi làm trái quy định nhà nước, việc thâm hụt tài sản, vốn, kinh phí ngân sách, sự gian dối trong thanh quyết toán công trình…

Tuy nhiên, bất cập là sự việc sẽ chỉ dừng ở… kiến nghị do thiếu các quy định về biện pháp cưỡng chế trong hoạt động thanh tra khi phát hiện sai phạm, nhất là những đối tượng gây thất thoát tiền, tài sản, đất… mà không có khả năng nộp lại hay trường hợp cố tình chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra. Thêm nữa, các tổ chức thanh tra nhà nước ở các cấp, ngành gần như phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, do vậy đã làm giảm tính chủ động, độc lập cần thiết của cơ quan thanh tra.

Để khắc phục thực trạng trên, lãnh đạo ngành Thanh tra thành phố đã đề nghị cần tăng tính độc lập tương đối cho Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên trong hoạt động thanh tra. Tiếp đến, để tăng cường sự giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, cần có cơ chế hồ sơ các cuộc thanh tra sẽ được sao gửi cho Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp để tuỳ theo vụ việc có căn cứ tiến hành giám sát hoặc tổ chức chất vấn những người có trách nhiệm.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có quyền yêu cầu cơ quan thanh tra báo cáo về những vụ việc mà các cơ quan trên quan tâm. Mặt khác, việc công khai kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra cũng là cần thiết để tạo sự ủng hộ của dư luận, từ đó nâng cao trách nhiệm của tổ chức thanh tra cũng như cơ quan quản lý.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích