Hội Chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng làm việc với Đoàn cấp cao Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản

21:13 24/11/2023

Chiều 24-11, tại UBND xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), Hội Chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng đón và làm việc với Đoàn cấp cao Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản nhân dịp Đoàn tới Việt Nam tham dự Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại thủ đô Hà Nội và thực hiện chương trình thăm rừng ngập mặn tại xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy). Đây là Dự án Trồng rừng ngập mặn và quản lý rủi ro thiên tai do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ.

Theo đó, được sự quan tâm của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản; thành phố Hải Phòng là một trong 8 tỉnh, thành được triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thiên tai thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ từ năm 1997 cho đến năm 2015.

Qua 18 năm triển khai, với sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp Hội trong thành phố, Dự án đã đạt kết quả tốt, đặc biệt là công tác khôi phục và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Quang cảnh Hội nghị

Những năm đầu triển khai thực hiện dự án gặp khó khăn, đặc biệt là nhận thức về vai trò, tác dụng của rừng ngập mặn trong bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai của cộng đồng còn thấp.

Vào thời điểm đó, hầu hết bãi ngập triều mênh mông, chưa có cây ngập mặn, hàng ngày có hàng trăm người với các phương tiện thủ công kiếm bắt thuỷ hải sản. Khi thuỷ triều lên, chỉ có tàu thuyền đi lại, môi trường sống ở đây khá nghèo nàn.

Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã trồng, chăm sóc bảo vệ được trên 1.000 ha rừng ngập mặn tại các đơn vị quận Đồ Sơn, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy và Cát Hải dọc chiều dài hơn 12 km đê biển xung yếu của Hải Phòng với 3 loại cây trang, bần, mắm.

Đến nay, rừng ngập mặn đã phát triển xanh tốt với các loại cây có chiều cao từ 7 - 10 m với chiều rộng của rừng từ 500 - 1.2000, góp phần tích cực trong việc chắn sóng bảo vệ đê biển.

Rừng ngập mặn được phục hồi, phát triể, kéo theo nhiều loại chim quí hiếm đã về trú ngụ, hải sản tự nhiên có giá trị cao như cá bống, cá bớp, cua biển, bông thùa xuất hiện ngày càng nhiều.

Vào mùa cây ngập mặn ra hoa, nhiều người dân đã mang hàng ngàn tổ ong để lấy mật. Mật ong qua chế biến đạt năng suất, chất lượng cao.

Đoàn tới thăm HTX Mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy

Từ khai thác hải sản và nuôi ong đã giúp cho người dân  mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn nơi có rừng.

Đặc biệt, đê biển có rừng ngập mặn bảo vệ đã giảm đáng kể nguồn ngân sách hàng năm đầu tư để bảo vệ đê. Sau khi kết thúc dự án, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã bàn giao lại diện tích rừng ngập mặn cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

Đoàn tới thăm rừng ngập mặn tại xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) - Đây là Dự án Trồng rừng ngập mặn và quản lý rủi ro thiên tai do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ.

Thông qua hoạt động dự án đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên như tập huấn lập kế hoạch phòng ngừa thảm hoạ cho cấp ủy chính quyền, tập huấn cho giáo viên tiểu học và giới thiệu kiến thức phòng ngừa thảm hoạ cho các em học sinh lớp 4,5 của các trường trên địa bàn thành phố..., góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai và xây dựng nông thôn mới.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông