Hội Nông dân Việt Nam: Tự hào truyền thống 93 năm xây dựng, phát triển

16:50 12/12/2023

Trải qua 93 năm (từ năm 1930 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành và không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh.
Hội Nông dân thành phố đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ tặng vì có thành tích xuất sắc phong trào thi đua yêu nước thành phố Hải Phòng năm 2022
 

 Bắt đầu từ năm 1925-1929, phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân đã phát triển rộng khắp. Nhiều tổ chức đã bắt đầu hình thành, như: Hội lợp nhà, Hội hiếu hỷ, Hội tương tế đã được lập ra nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, nhiều vùng nông thôn đã trở thành “làng Đỏ”.

Cho tới tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) và thông qua Điều lệ gồm 8 điều.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu trao bức trướng mang dòng chữ “Dân chủ-đoàn kết-năng động-sáng tạo-phát triển phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” tặng giai cấp nông dân và Hội Nông dân TP

Cho tới những năm 1939-1945, Nông hội được đổi tên thành Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội, hoạt động theo tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chủ yếu là: Liên hiệp tất cả hết thảy để bênh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho dân tộc.

 Bước vào giai đoạn 1945-1954, Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương nhằm thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ chiến lược “Kháng chiến” và “Kiến quốc”.

Giai đoạn 1954-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam cùng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng từ đây, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân trong cả nước với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.

Tôn vinh chủ thể các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thuộc nhóm sản phẩm lương thực, rau, củ, quả hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ tư”, năm 2022-2023

Từ năm 1986 đến nay, về tên gọi, ngày 1/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên Hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tổng hợp lại, kể từ ngày ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân. Địa bàn nông thôn là căn cứ địa của 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã khẳng định: Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân thực chất là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Chủ tịch HND thành phố Trần Quang Tường trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP tặng 2 tập thể xuất sắc trong thực hiện hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ tư”, năm 2022-2023

Bước vào giai đoạn mới của đất nước hôm nay, giaicấp nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và thắng lợi trong công cuộc đổi mới của đất nước ta. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là 3 nhân tố góp phần quan trọng để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng KT-XH của thập niên 1980.

Kể từ những năm đầu thập niên 1990, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, đặc biệt, xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản…, nhiều năm liền đứng tốp đầu trên thị trường thế giới. Trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” cho nền kinh tế và là “tiền đề” cho CNH, HĐH trên các lĩnh vực khác thành công. Trong đó, giai cấp nông dân đang là chủ lực của tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; là chủ thể, lực lượng nòng cốt của tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Ngày nay, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, KHCN thông minh, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, vị trí, vai trò của giai cấp nông dân không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và sự phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước. Những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách tập trung phát triển nông nghiệp đúng hướng, kịp thời của Đảng và Nhà nước, nông nghiệp nước ta đã và đang chiếm lĩnh, cạnh tranh với nhiều quốc gia trên các thị trường thế giới, luôn là một trong 50 nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, có kim ngạch xuất khẩu cao, sản phẩm nông nghiệp có mặt ở nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành công đó trước hết thuộc về giai cấp nông dân.

Có thể khẳng định, giai cấp nông dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động đất nước. Đa số lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân, do nông dân nước ta sản xuất.

Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân. Hiện, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm khoảng 49% số hộ ở nông thôn và hơn 33% lực lượng lao động xã hội. Giai cấp nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chủ yếu cho các ngành kinh tế khác. Địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư.

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng đã tiếp tục khẳng định: Nông dân với nông nghiệp, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm QP-AN, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông