Đổi mới, nâng cao công tác tổ chức Lễ hội chọi trâu

09:27 07/09/2018

Được phục hồi cách đây 29 năm và được tổ chức hàng năm, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền biển Đồ Sơn- Hải Phòng. Khắc phục sự cố Lễ hội chọi trâu năm 2017, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 đã có một số thay đổi cả về quy mô và hình thức. Phóng viên Báo ANHP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Hoàng Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 về vấn đề này.

Ông Hoàng Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 

PV: Xin ông cho biết một số nét mới trong công tác tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018?

Ông Hoàng Trung Hiếu: Rút kinh nghiệm từ sự cố hy hữu xảy ra tại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017, năm 2018, quận Đồ Sơn đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố. Mặc dù có một số thay đổi trong công tác tổ chức, song về tính chất cũng như giá trị văn hóa lịch sử của Lễ hội không những không mất đi mà ngày một nâng lên. Lễ hội chọi trâu năm nay chỉ tổ chức 1 vòng vào tháng 8 âm lịch với phần Lễ được tổ chức từ ngày mùng 1-8 đến ngày 16-8 âm lịch và phần Hội tổ chức vào ngày mùng 9-8 âm lịch với 16 trâu được tuyển chọn, chăm sóc, huấn luyện theo quy chế Lễ hội.

Đồng thời, để đảm bảo Lễ hội vẫn được tiếp tục duy trì, phát triển và bảo tồn, xứng tầm là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, BTC tập trung cho công tác tuyên truyền, đặc biệt là quảng bá phần lễ tại đình của 7 phường trâu tham gia Lễ hội gồm các nghi lễ: lễ dâng hương, thượng cờ; lễ rước nước; lễ lâm trận; lễ tống thần, lễ hiến sinh và lễ tế thần. Phần lễ được coi là điểm nhấn của Lễ hội, là phần cốt lõi của Di sản, nếu bỏ đi phần lễ có nghĩa là lễ hội chọi trâu không tồn tại. Vì vậy, các nghi lễ được BTC đặc biệt quan tâm, tổ chức một cách long trọng, chu đáo, góp phần làm sống lại nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc.

Bên cạnh phần lễ, phần hội năm nay cũng được BTC chuẩn bị kĩ lưỡng hơn, nhất là công tác huấn luyện, chăm sóc và quản lý trâu, đảm bảo cho các ông trâu có đủ sức khỏe, đáp ứng các tiêu chí mà BTC đã đề ra. Theo đó, giao trách nhiệm cho các chủ trâu, BTC phường, BTC quận thường xuyên kiểm tra, theo dõi các ông trâu một cách sát sao, nếu phát hiện ông trâu nào có dấu hiệu không bình thường thì lập tức loại bỏ ngay để đảm bảo các ông trâu tham gia lễ hội tuyệt đối an toàn.

Một điểm mới trong Lễ hội năm nay, Công tác tổ chức giết mổ được quy định chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện đúng tục hiến sinh theo truyền thống của lễ hội. BTC tập trung tăng cường công tác quản lý, giết mổ và bán thịt trâu tập trung. Thành lập 2 đội kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ và bán thịt trâu chọi, đảm bảo không để việc đưa thịt trâu không phải trâu chọi trà trộn vào bán, tránh gian lận thương mại, làm mất uy tín của Lễ hội.

PV: Vừa qua, UBND quận Đồ Sơn đã ra thông báo về việc không bán vé lễ hội chọi trâu mà mở cửa tự do để đón nhân dân và du khách vào xem Hội. Xin ông chia sẻ thêm về nội dung này cũng như công tác chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách khi đến xem Hội?

Ông Hoàng Trung Hiếu: Việc kiểm soát, đảm bảo an toàn cho du khách vào xem lễ hội vốn là bài toán khó được cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 2,5 – 3 vạn du khách đến tham dự lễ hội chọi trâu. Trong khi đó, sức chứa của sân vận động có hạn, chỉ bố trí được 1,2 vạn người. Năm nay, do không bán vé vào xem lễ hội mà mở cửa tự do đón nhân dân và du khách vào xem hội nên khi lượng du khách đạt sức chứa của sân vận động, BTC sẽ đóng cổng sân vận động để đảm bảo an toàn cho Lễ hội.

Hiện tại, BTC lễ hội đã tiến hành nâng cấp hàng rào sân vận động, đảm bảo kiên cố, hạn chế thấp nhất việc trâu phá rào gây nguy hiểm cho du khách đến xem lễ hội. Đồng thời, BTC lễ hội đã phối hợp với lực lượng Công an, Ban chỉ huy quân sự quận, Đồn biên phòng cùng các đơn vị có liên quan lên kế hoạch hướng dẫn điều tiết giao thông, bảo vệ khu vực sân vận động, ngăn ngừa những người có hành vi quá khích trèo lên hàng rào hay chạy vào sân khi trâu đang thi đấu,.., bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhân dân và du khách trước, trong và sau Lễ hội. Công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng được triển khai, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả trên toàn địa bàn trong dịp diễn ra Lễ hội.

Mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội diễn ra vào từ ngày 10-9 đến ngày 25-9(tức 1-8 đến ngày 16-8Âm lịch) về cơ bản đã được triển khai. Với nhiều đổi mới trong công tác quản lý cũng như tổ chức, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 chắc chắn sẽ diễn ra an toàn và tốt đẹp.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hải Ngân thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông