Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018: Rộn ràng trước ngày khai hội

21:11 07/09/2018

Về Đồ Sơn những ngày này, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã vang lên khắp các khu phố, nẻo đường càng khiến cho không khí Lễ hội chọi trâu truyền thống diễn ra vào tháng 9 âm lịch như đến gần hơn khi các chủ trâu ai nấy cũng đều tất bật để chuẩn bị những khâu cuối cùng cho các ông trâu tham gia vòng chung kết...

Sau khi ăn uống, tắm sạch sẽ người chăm sóc trâu đánh trống giúp các ông trâu làm quen với không khí nào nhiệt của ngày hội (Ảnh: Phan Tuấn)

Công phu nghề chăn trâu

Men theo con đường nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà ông Lưu Đình Tới – chủ trâu số 08, thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Từng có trâu vô địch năm 2017, năm nay, ông Tới tiếp tục đăng kí tham gia theo đúng Quy chế tổ chức của Lễ hội. Trong cái nóng oi bức của những ngày đầu tháng 9, trên cánh đồng cỏ gần nhà, ông Tới vẫn miệt mài chăm sóc, vỗ về "ông trâu" của mình để sẵn sàng cho vòng chung kết sắp tới.

Theo ông Tới, ông trâu số 08 được ông tìm mua tận Đắc Lắc. Sau 2 năm chăm bẵm và rèn luyện, thấy trâu đã đạt tới độ “chín”, ông Tới quyết định cho "đệ tử" của mình vào sới chọi.Vốn gắn bó với nghề mối trâu chọi, ông Tới rất am hiểu cách chăm sóc như thế nào để ông trâu “sung” nhất khi vào trận.

Vừa dắt trâu đi “tản bộ”, ông Tới vừa tâm sự, việc chăm sóc và huấn luyện trâu chọi rất công phu, vất vả, đặc biệt là vào những tháng gần đến Lễ hội. Trong tất cả các khâu, có lẽ quy trình tập luyện, chăm sóc và vỗ béo cho trâu là việc làm khó khăn nhất. Thời điểm vỗ béo đã xong, hiện tại, trâu số 08 được ông cho ăn uống và tập nâng cao thể trạng điều độ để giữ sức.

Các ông trâu sau khi đi tập về được tắm mát để thư giãn (Ảnh: Phan Tuấn)

Cũng theo ông Tới, tùy theo “giáo án” mà mỗi người có một cách chăm sóc khác nhau. Song tất cả đều phải bắt đầu từ khá sớm. Khoảng 5 giờ - 6 giờ sáng, các chủ trâu sẽ cho trâu của mình ra cánh đồng tập chạy và lội bùn.

Buổi chiều, từ 16-17 giờ, trâu sẽ được dắt bộ sau đó đưa về tắm rửa và tập làm quen với tiếng trống, tiếng chiêng.

Sở dĩ các trâu phải tập các bài vận động mạnh vào buổi sáng là để tạo sự khoan khoái cho chúng sau một đêm nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, đó là là lúc các trâu chưa ăn no, khi tập sẽ không ảnh hưởng đến dạ dày. Còn nếu tập các bài vận động mạnh vào buổi chiều, các trâu đã ăn no sẽ tạo cảm giác bức bách, không tốt cho sức khỏe.

Ông Lưu Đình Thắng chăm sóc ông trâu của mình tại khu Đầm Vuông, Quận Đồ Sơn (Ảnh: Phan Tuấn)

Quả không sai khi nói chăm trâu như "chăm hoa hậu" bởi khi cho trâu tập luyện về, chủ trâu lại phải tắm rửa cẩn thận, cho trâu ăn và nghỉ ngơi. Sau mỗi tuần tập luyện, trâu còn được các chủ kiểm tra bước đi, lượng thức ăn để biết "đệ" của mình có khỏe hay không, từ đó có những thay đổi sao cho phù hợp. thức ăn của trâu ngoài cỏ, mía, trong quá trình lập luyện còn được bổ sung thêm B1, cám, trứng, mật ong để tăng cường dinh dưỡng.

Cỏ thường do các chủ trâu, hoặc người chăm sóc trâu tự tay cắt để đảm bảo thức ăn ngon nhất, mía cũng được lựa chọn kỹ lưỡng để các ông trâu ăn thêm cho ngon miệng.....

Rộn ràng không khí mùa lễ

Vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 đang đến gần. Năm nay, quận có 16 ông trâu tham gia. Những ngày này, hầu như các chủ đều cho trâu ngừng quá trình "tập nặng" để hồi phục thể lực sau 1 tháng trời tập cao độ. Họ thường cho trâu của mình ra khu vực đông dân cư, các tuyến phố đông người qua lại và sử dụng trống, cờ, chiêng tạo không khí sôi động, náo nhiệt, giúp các trâu làm quen dần với không khí lễ hội, khi lâm trận sẽ không bị hốt hoảng, ảnh hưởng đến chất lượng kháp đấu.

Trâu số 02 được chủ trâu là ông Nguyễn Ngọc Hùng đưa ra đường khua trống để làm quen với không khí lễ hội (Ảnh: Phan Tuấn)

Mấy ngày nay, cứ chiều chiều, ông Nguyễn Ngọc Hùng, phường Ngọc Xuyên lại cho trâu số 02 của mình “xuống phố”. Nói là “xuống phố” nhưng thực chất, ông trâu số 02 được ông cho ra khu vực có nhiều phương tiện qua lại rồi đánh trống, cắm cờ để "ông" quen dần với tiếng động. Tiếng tranh luận về hình thể của ông trâu xen lẫn tiếng trống, tiếng chiêng khiến con đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Xuyên náo nhiệt hơn bao giờ hết.

Vừa ngồi luận đàm, ông Hoàng Gia Thơm, nghệ nhân trâu chọi có tiếng vùng đất Đồ Sơn vừa tâm sự, 2 năm trở lại đây vì một vài lý do mà ông không có trâu tham gia Lễ hội chọi trâu truyền thống. Thế nhưng, chiều nào ông cũng đi một vòng để thăm các ông trâu, cùng những người có đam mê với trâu chọi bình về hình thể, các thế mạnh và điểm yếu. Với ông, không có trâu tham gia Lễ hội không có nghĩa là ông không dành tình cảm đặc biệt cho Lễ hội mang đậm tính truyền thống và tâm linh này.

Ông Lưu Đình Tới, chủ trâu số 08 cẩn thận lựa chọn những đoạn mía ngon nhất ch các ông trâu (Ảnh: Phan Tuấn)

Còn theo ông Đinh Đắc Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Đồ Sơn cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này, các chủ trâu lại ráo riết chuẩn bị cho Lễ hội. Ngoài việc tập cho các ông trâu quen dần với tiếng ồn lúc lâm trận, khi gần đến ngày hội diễn ra, các chủ trâu phải dắt trâu vào khu vực sân bãi, cho chúng làm quen và đi theo tuyến đường đã bố trí sẵn theo đúng quy định của BTC để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người tham gia lễ hội.

Chỉ còn vài ngày nữa là Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn chính thức được khởi động. Mặc dù có một vài thay đổi trong công tác tổ chức, quản lý Lễ hội năm nay, song mỗi người dân vùng biển Đồ Sơn vẫn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần thượng võ góp thêm vào để cho một mùa Lễ hội ấn tượng, thành công.

Ngân Anh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông