Mãi trong tim ngày đất nước trọn niềm vui

10:53 29/04/2024

Cách đây tròn 49 mùa xuân, kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và đi lên CNXH chính thức mở ra trên non sông ta với mốc son chói lọi - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng cả nước làm nên những trang sử vàng đó của dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân thành phố Cảng “Trung dũng - Quyết thắng” với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội.

Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Những ngày tháng Tư lịch sử này, tại căn nhà yên bình trên phố Đoàn Kết, phường Đằng Hải, quận Hải An, cựu chiến binh Đỗ Đức Phòng nay đã hơn 70 tuổi, đang cẩn trọng sắp xếp lại từng chiếc Huân, Huy chương, những tấm ảnh cũ ghi lại những lần đi thăm chiến trường xưa - dấu ấn của một thời khói lửa vì độc lập, tự do của dân tộc. Gương mặt in dấu thời gian, mái tóc pha sương, song vẫn còn đó dáng vẻ nhanh nhẹn, vững vàng của người lính.

Ngắm nhìn những kỷ vật ấy, cựu chiến binh xúc động chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban liên lạc Cựu chiến binh Hải Phòng lại kết nối những người lính năm xưa, cùng nhau ngồi ôn lại ký ức hào hùng của những ngày xẻ dọc Trường Sơn, đưa nhân tài, vật lực vào miền Nam đánh giặc cho đến ngày đất nước trọn niềm vui.

May mắn là một trong những người lính của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B còn lành lặn trở về, dẫu hàng chục năm qua, ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi”.

Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Phòng kể lại: Tháng 2/1975, Trung đoàn 48 đang thực hiện nhiệm vụ đắp đê ở Ninh Bình thì được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Từng đoàn những chàng lính trẻ háo hức, hăm hở hành quân ngày đêm không nghỉ, nối nhau ra mặt trận.

Trong số đó, có khoảng 100 chiến sĩ là người Hải Phòng. Lộ trình của Trung đoàn ngày ấy là sang Lào rồi dọc theo Tây Trường Sơn về Buôn Ma Thuột, Bình Dương… để tiếp cận cửa ngõ Sài Gòn. Chuyến ành quân lịch sử đó của đơn vị có lần 3 ngày liền phải băng qua những “cánh rừng khát nước”, chỉ toàn đất đỏ bazan,  toàn bộ Trung đoàn đối mặt với tình trạng giảm sút sức lực.

Tuy nhiên, khi nhận được mật lệnh của Sư đoàn 320B “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới, giải phóng miền Nam”, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều bừng dậy vượt qua đói khát chiếm lĩnh trận địa.

Tiếp đó là hành trình kiên cường, dũng cảm bảo vệ cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu; giải phóng ấp Búng rồi Trại huấn luyện Quang Trung của ngụy. Rạng sáng 30/4, sau khi giải phóng Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn, Trung đoàn 48 vượt qua đoạn đường cuối cùng, thực hiện nhiệm vụ tiến đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Trên đường hành tiến, thỉnh thoảng một vài ổ kháng cự nhỏ của địch từ các con hẻm hoặc trên những nóc nhà cao bắn vào đội hình quân ta song bị đánh trả quyết liệt. Trời Sài Gòn thời điểm ấy như vỡ ra bởi những tiếng nổ rung chuyển của đạn pháo các cỡ cùng tiếng động cơ, tiếng bánh xích xe tăng nghiến trên mặt đường.

Tới 10 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 48 đã có mặt tại cổng chính Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Do địch từ bên trong cố thủ, bắn ra như mưa nên chỉ huy đơn vị quyết định cho chiến sĩ ta vòng sang cổng phụ để đột kích. Chỉ sau chục phút, các chiến sĩ đã vượt qua hàng rào và chiếm lĩnh sân trước.

Lúc này binh lính địch quăng súng, lột áo chạy tháo thân. Chỉ một lát sau, lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trong lời ca “Vì nhân dân quên mình” và tiếng reo hò của người dân sinh sống các khu vực lân cận.

Nhớ lại thời khắc lịch sử, người cựu chiến binh rưng rưng: Cùng trong sáng 30/4, bên cạnh nhiệm vụ thần tốc chiếm Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, Sư đoàn 320B và các cánh quân hùng mạnh khác của ta đồng loạt thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố là Dinh Độc lập, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Biệt Khu thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Trên đường hành quân, làm sao quân ta tránh được bom đạn của địch. Đó là trường hợp 3 xe chở quân của ta cùng lúc trúng đạn pháo, tương ứng với 1 trung đội gần 40 người hy sinh.

Những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 họp mặt truyền thống nhân ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4

Hôm nay, đi giữa Quảng trường Nhà hát lớn thành phố rực rỡ cờ hoa trong thời khắc lịch sử, ông Phạm Văn Đáo, 77 tuổi, ở xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) cũng bồi hồi cho biết, cuộc đời ông có rất nhiều ký ức đẹp, khó quên. Song, thời khắc ông được tham dự Cuộc mít tinh mừng đại thắng của dân tộc và Ngày Quốc tế lao động vào sớm 1/5/1975 tại chính nơi này sẽ mãi là kỷ niệm không thể nào quên.

Ông Đáo xúc động chia sẻ: Cuối năm 1974, đầu 1975, ông mới 28 tuổi và là quân nhân tại ngũ tại Đại đội 13, Tiểu đoàn 9 Bộ Tư lệnh 350 đóng tại làng Cách Thượng, xã Nam Sơn, huyện An Dương.

Thời điểm đó, đơn vị toàn tâm, toàn lực cho công tác huấn luyện hiệp đồng tác chiến, chờ lệnh lên đường chi viện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam,thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đến ngày 30/4/1975, quân đội ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 trong niềm hân hoan, vui mừng của cả nước. Sáng sớm 1/5/1975, đơn vị của của ông theo mệnh lệnh hành quân từ xã Nam Sơn về Quảng trường Nhà hát lớn thành phố dự Cuộc mít tinh lớn mừng đại thắng của dân tộc.

Khi đó, đồng chí Trần Kiên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đọc bài diễn văn quan trọng, nêu bật tầm vóc lịch sử, ý nghĩa thời đại của Đại thắng 30/4/1975 bằng chất giọng hào sảng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của toàn thể người tham dự. Không khí thiêng liêng và niềm hạnh phúc vô bờ còn mãi điều đọng lại trong tâm trí ông đến tận hôm nay.

Những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 họp mặt truyền thống nhân ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4

Là người dành nhiều tâm sức nghiên cứu lịch sử xây dựng và phát triển thành phố, đất nước, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, Thương binh, Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn bày tỏ: Đúng ngày 13/5/1955, Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày thành phố hoàn toàn giải phóng cũng là ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Quân và dân Hải Phòng đã khẩn trương bước vào cuộc chiến đấu mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH bảo vệ miền Bắc và chi viện tiền tuyến lớn miền Nam. Với vị thế đầu mối giao thương quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, các phong trào thi đua sôi nổi tiếp sức những người con Hải Phòng lên đường vào tuyến lửa, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”, góp phần thống nhất toàn vẹn non sông.

Phát huy giá trị lịch sử, Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những bài học đáng quý nhất về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trên con đường thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước và thành phố.

Đất nước hòa bình và bước vào thời kì toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mỗi người con đất Việt nói chung và người Hải Phòng nói riêng càng tự hào về những chiến công hiển hách đã qua, càng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và đặc biệt càng tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc để nỗ lực xây dựng thành phố Cảng ngày một “rộng dài, rực sáng”, viết tiếp thêm những trang sử mới hào hùng.

PHƯƠNG LINH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông