Nơi gửi gắm trọn vẹn niềm tin

08:50 13/09/2017

Đến Cát Hải những ngày này, khi dư âm niềm vui của việc thông cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cây cầu kết nối hệ thống đường bộ, đường cao tốc của thành phố cũng như khu vực Bắc Bộ vừa được khánh thành của bà con nơi đây vẫn còn lan tỏa. Chúng tôi còn cảm nhận được niềm vui gấp bội của những cán bộ PGD NHCSXH huyện Cát Hải khi người dân nơi đây đã gửi gắm trọn vẹn niềm tin vào hoạt động tín dụng của mình…

Cải thiện cuộc sống, thoát nghèo từ đồng vốn chính sách

          Xã Đồng Bài, huyện Cát Hải là một xã nhỏ. Theo Chủ tịch UBND xã Đoàn Hữu Đà thì cả xã mới chỉ có 474 hộ dân với 1.306 khẩu. Thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 27 triệu/năm, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 2,34%. Dân cư nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm muối và nuôi trồng, khai thác hải sản.

          Vậy nhưng, theo chân Đoàn công tác NHCSXH đi tìm hiểu nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất của hộ ông Nguyễn Văn Thắng, ở thôn Đoài, xã Đồng Bài, nhìn ngôi nhà khang trang của ông không ai nghĩ rằng chỉ cách đây hơn 10 năm, gia đình ông vẫn sống trong căn nhà tạm bợ. Tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng lúc đó chỉ là 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và sức khoẻ. Nhưng dù vợ chồng ông có chăm chỉ đến thế nào, cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. 

Nhờ vốn chính sách, hộ ông Thắng đã ổn định cuộc sống, mở rộng sản xuất

Được hỏi về quá trình vay các chương trình tín dụng của NHCSXH, ông Thắng cười hồn hậu: “Ôi, gia đình chúng tôi vay nhiều lắm. Giờ không nhớ chính xác đã vay bao nhiêu chương trình và số tiền bao nhiêu. Cứ hết đợt này lại gối đợt khác, liên tục cho đến tận bây giờ”.

Thần người nhẩm tính những chương trình tín dụng gia đình đã vay, ông Thắng cho biết: Ban đầu là vay theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường để cải tạo nhà vệ sinh và xây bể chứa nước mưa, vì đặc thù của huyện đảo luôn thiếu nước ngọt. Sau khi cải tạo được điều kiện sinh hoạt, gia đình lại vay theo chương trình học sinh sinh viên để nuôi hai con theo học đại học. Hiện cả hai con ông đều đã ra trường, một làm ở Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, một làm giáo viên ở Trường Nguyễn Bá Ngọc.

Cách đây 8 năm, tận dụng nghề truyền thống làm nước mắm của gia đình, ông vay vốn chương trình tín dụng dành cho hộ cận nghèo với số tiền 40 triệu để xây hơn chục bể chượp, mua cá, tôm nguyên liệu sản xuất nước mắm chắt và mắm tôm. Hiện trung bình mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường Hải Phòng và Hà Nội hơn 2.000 nước mắm chắt và hàng tạ mắm tôm, tổng doanh thu lên tới 400 triệu đồng.

Ông Thắng tâm sự: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ NH CSXH huyện Cát Hải mà gia đình tôi mới có điều kiện để cho các cháu ăn học nên người. Giờ các cháu đều đã ra trường có công ăn việc làm ổn định. Đấy là điều phấn khởi và biết ơn nhất của gia đình đối với ngân hàng. Giờ đây hai vợ chồng tôi lại nhờ đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nếu không có nguồn vốn vay này tôi cũng không biết đến bao giờ gia đình mình mới thoát nghèo và vươn lên làm giàu như ngày hôm nay”.

Đoàn công tác NHCSXH TP tìm hiểu nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất hộ chị Tô Thị Thuyết

          Tay thoăn thoắt cào ngao tại bãi bồi rộng thênh thang ngút tầm mắt, chị Tô Thị Thuyết, ở thôn Chấn, xã Đồng Bài, cho biết: Cũng giống như nhiều bà con nơi đây, hầu như gia đình nào cũng vay vài ba chương trình tín dụng của NHCSXH. Bản thân gia đình chị vay 3 chương trình gồm: vay nước sạch vệ sinh môi trường 11 triệu đồng, vay học sinh sinh viên 30 triệu đồng và vay thoát nghèo 50 triệu đồng. Sau khi cải tạo được nhà ở, cho con cái học hành ra trường ổn định công việc, hiện gia đình chị tập trung đầu tư thuê bãi, quây lưới cọc, con giống nuôi ngao. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu hoạch 200 tấn ngao, thuê 3 nhân công thường xuyên với thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày.

          Nơi gửi trọn niềm tin

Chúng tôi đến điểm giao dịch của PGD NHCSXH huyện Cát Hải tại trụ sở xã Đồng Bài khi dư âm của cơn mưa to từ đêm qua còn chưa ngớt. Vậy nhưng nơi đây đã tập trung khá đông bà con “đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa” đến để giao dịch.

Hỏi chuyện anh Lưu Đức Hậu, ở thôn Chấn, xã Đồng Bài, được biết: Hôm nay anh đến để trả cả gốc lẫn lãi số tiền vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 25 triệu đồng mà gia đình đã vay hồi đầu năm 2016. Gia đình anh vừa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng hơn 1 tỷ đồng nên đem trả số vay ngân hàng. Chúng tôi nhận được tiền đền bù xong là mang đến NHCSXH để gửi. Được hỏi tại sao trên địa bàn huyện Cát Hải có sự hiện diện của 3 ngân hàng khác nhau mà anh lại chọn NHCSXH, anh Hậu đáp ngay: “Trước chúng tôi vay “của họ” thì nay có tiền lại gửi “họ” vì tin tưởng vào uy tín và chất lượng hoạt động của ngân hàng.

Bác Tô Đình Trịch (phải) đã gửi gắm niềm tin vào PGD NHCSXH huyện Cát Hải

Còn bác Tô Đình Trịch, ở thôn Chấn, xã Đồng Bài thì thắng thắn cho biết: “Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm muối, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên còn nghèo lắm. Nói thật với cô, số tiền hơn 600 triệu đối với gia đình tôi là một khoản rất lớn. Vì vậy trước khi gửi tiền, gia đình chúng tôi cũng đã tìm hiểu chỗ nào lãi suất cao hơn thì gửi. Hiện lãi suất NHCSXH ngang với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại khác trên huyện đảo nên chúng tôi đỡ mất công ra đảo Cát Bà giao dịch. Cán bộ tín dụng nơi đây thì phục vụ bà con rất tận tình và chu đáo. Trước đây, khi chưa nhận được tiền đền bù, hầu như nhà nào cũng vay một vài chương trình tín dụng của NHCSXH để cải thiện điều kiện nhà ở, cho con cái ăn học, phát triển sản xuất. Nay khi nhận được tiền đền bù, chẳng ai bảo ai đều đa phần tìm đến NH này để gửi tiết kiệm trong khi chờ kiếm kế sinh nhai khác…

Đồng vốn chính sách đã giúp nhiều hộ dân huyện Cát Hải mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động 

Theo Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cát Hải Bùi Văn Đoàn thì đơn vị được thành lập từ năm 2003. Trải qua gần 15 năm hoạt động, hiện Phòng quản lý 12 xã, phường với 122 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, PGD NHCSXH huyện đang triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi để giảm nghèo và an sinh xã hội với tổng số dư nợ gần 130 tỷ đồng, đáp ứng cho 4.534 hộ nghèo được tiếp cận. Tính đến 31/8, số dư tiết kiệm đạt trên 50 tỷ, cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao.

Như vậy, có thể thấy với mô hình quản lý tín dụng đặc thù, có hiệu lực và hiệu quả, việc đưa nguồn vốn ưu đãi của nhà nước xuống tận cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa một cách minh bạch, công khai và dân chủ đã mang lại hiệu quả kinh tế và có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Người dân giờ đây không chỉ tin tưởng vào các chính sách, các chương trình tín dụng mang tính nhân văn sâu sắc mà các hệ thống PGD NHCSXH đang triển khai mà họ còn đặt trọn niềm tin khi gửi gắm cả sản nghiệp vào nơi đây. Có được sự yêu mến, tin tưởng từ khách hàng như vậy là cả một quá trình xây dựng uy tín và khẳng định chất lượng hiệu quả công tác mà các cán bộ PGD NHCSXH huyện Cát Hải đã dày công vun đắp trong suốt 15 năm qua. Để ngày nay, thương hiệu và uy tín đó đã ăn sâu bén rễ vào lòng dân, nở hoa trên vùng huyện đảo của thành phố.

Bùi Hạnh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông