Quốc hội thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và một số Luật

21:21 16/06/2025

Sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 470/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, đạt 100%.

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị, sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau: 

1.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 

2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.";

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 như sau: 

"1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”;

Sửa đổi, bổ sung Điều 110 như sau: “Điều 110

1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do luật định.

2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

3. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do Quốc hội quy định.”…

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trình Quốc hội xem xét thông qua thực sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đã phản ánh sâu sắc ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, kết hợp giữa ý Đảng, lòng Dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Đây sẽ là dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, yên vui.

          Trong phiên họp ngày 16-6, Quốc hội biểu  quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);  Luật Nhà giáo;  Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo./.

                                                                                                                           Hồng Thanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông