Siết chặt công tác quản lý khai thác thuỷ sản IUU

15:34 27/05/2022

Việt Nam đang nằm trong danh sách 7 quốc gia nhận thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm hải sản khai thác. Để chung tay cùng cả nước nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC, những năm qua, Hải Phòng luôn quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phải kể đến công tác quản lý khai thác thuỷ sản…
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Tạ Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ khảo sát thực tế tại Cảng cá Ngọc Hải (Đồ Sơn)

Chú trọng công tác tuyên truyền…

Trên địa bàn thành phố hiện có 1.029 tàu đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase. Số tàu đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản là 900/1007 tàu, đạt gần 90%. Số tàu từ 15m trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản là 352/357 tàu, đạt 98,6%; đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 356/357, đạt 99,72%; được cấp giấy chứng nhận ATTP là 342/357 tàu, đạt 95,80%.

Để siết chặt công tác quản lý nguồn gốc thủy sản khai thác, các Cảng cá chỉ định đã bố trí xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại Cảng cá Ngọc Hải để phục vụ công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT đã công khai thủ tục chứng nhận thủy sản khai thác trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân khi làm các thủ tục chứng nhận thủy sản khai thác qua mạng.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Tạ Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ khảo sát thực tế tại cơ sở nuôi thuỷ sản của Công ty TNHH Khoa Thành

Hàng tháng, dựa theo thông tin dự báo ngư trường của Viện nghiên cứu Hải sản trên website Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thuỷ sản đã tiến hành dự báo ngư trường khai thác cho ngư dân cập nhật, khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền cho ngư dân biết khu vực và thời gian cấm khai thác, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực cấm khai thác được các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố phối hợp triển khai hiệu quả. Hàng năm, Chi cục Thủy sản đều tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân, in hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các phóng sự hỏi đáp, tuyên truyền về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành; in pano tuyên truyền Luật Thủy sản treo tại các cảng cá, bến cá ở các địa phương trọng điểm nghề cá. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của xã hội, người dân, nhất là cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định về chống khai thác thuỷ sản IUU.

Tỷ lệ tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhờ đó cũng tương đối cao. Việc khai báo trước khi rời, cập cảng, ghi nộp nhật ký khai thác được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động sản xuất của đội tàu cơ bản ổn định, nhận thức của ngư dân về nghề cá có trách nhiệm từng bước được nâng cao.

Tàu cá rời - cập cảng Ngọc Hải đã thực hiện việc khai báo thường xuyên. Tổ chức cảng cá đã thực hiện tốt việc giám sát sản lượng qua cảng, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra kiểm soát khai thác IUU tương đối đầy đủ tại cảng.

Việc khai báo trước khi rời, cập cảng, ghi nộp nhật ký khai thác được các chủ tàu thực hiện nghiêm túc

Đầu tư hạ tầng nghề cá

Cơ sở hạ tầng cảng cá đã được thành phố quan tâm đầu tư. Hiện, Hải Phòng có 2 cảng cá loại II là Cảng Trân Châu, Cảng Ngọc Hải và 1 cảng cá loại III (Tây Nam Bạch Long Vĩ). Cảng cá Trân Châu là cảng cá chỉ định, kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng. Cảng có tổng diện tích gần 96ha, đi vào hoạt động từ tháng 10-2020, bảo đảm năng lực khai thác cho 240 lượt tàu/ngày, với cỡ tàu có chiều dài lớn nhất là 24m.

Cảng cá Ngọc Hải, Đồ Sơn cũng là cảng cá chỉ định, kết hợp neo đậu và tránh trú bão cho tàu cá, đi vào hoạt động từ năm 2003. Cảng có tổng diện tích trên 27ha, tàu cá lớn nhất có thể cập cảng có công suất dưới 400CV, năng lực bốc dỡ 9.000 tấn thuỷ sản/năm.

Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt đầu tư xây dựng Cảng cá động lực và các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác thủy sản IUU…

Thực hiện các quy định về ngư cụ khai thác, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo thanh tra chuyên ngành phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm việc sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nghề như: đăng, đáy, te, lưới kéo ven bờ sang các nghề khác.

Đồng thời, không cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá làm các nghề cấm, trong quá trình hoạt động khai thác nếu vi phạm nghề cấm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

VSMT khu vực cảng cá đã được cải thiện 

Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác thủy sản IUU được siết chặt. Hàng năm, các lực lượng chức năng gồm: Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng phối kết hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Riêng BCH Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo các phòng, ban, các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực biên giới biển.

Nhờ đó, các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản được kiểm soát tối đa. Năm 2020, các lực lượng chức năng thành phố đã kịp thời phát hiện, xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng đối với 294 trường hợp vi phạm. Đến năm 2021, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,33 tỷ đồng đối với 151 vụ. Trong đó, BCH Bộ đội Biên phòng thành phố đã tham mưu UBND TP quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 tàu cá vi phạm các quy định khai thác hải sản IUU với số tiền 900.000.000 đồng để tăng sức dăn đe.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nguồn gốc thủy sản khai thác của thành phố còn vấp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định. Tỷ lệ tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá từ có chiều dài từ 6-12m còn thấp. Việc đảm bảo duy trì vận hành thiết bị giám sát hành trình của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn nhiều hạn chế, nhiều lượt tàu tùy tiện tắt thiết bị giám sát hành trình. Việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác của Thuyền trưởng chưa đầy đủ, chính xác.

Trên địa bàn thành phố hiện mới có 2 cảng cá chỉ định, trong khi đó có nhiều bến cá tự phát ở khắp các huyện ven biển gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến.

Nguồn lợi thủy sản suy giảm nên một số chủ tàu vì lợi ích trước mắt đã sử dụng phương pháp khai thác tận diệt, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng, thiếu trang thiết bị… gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Thiết nghĩ, để từng bước khắc phục những tồn tại trên, thành phố cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Đồng thời, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng và các nguồn lực vật chất khác cho các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra; củng cố lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật…

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông