Siết chặt quản lý tiền ảo

20:48 22/11/2017

Thời gian qua, với sự biến tướng phức tạp của Bitcoin – đồng tiền ảo mạnh nhất hiện nay – cùng những phát ngôn của lãnh đạo một trường đại học có tiếng trong nước về việc dự kiến thử nghiệm cho phép sinh viên nước ngoài thanh toán học phí bằng tiền ảo đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận…

Tiền ảo Bitcoin và những biến tướng

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) ra đời khoảng năm 2009, được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng chứ không phải được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính cụ thể nào. Từ khi ra đời, Bitcoin thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người trên thế giới và có lịch sử phát triển thăng trầm trước khi tạo ra cơn sốt với mức tăng kỷ lục đạt 6.129 USD/Bitcoin vào cuối tháng 10 vừa qua.

Tuy là đồng tiền ảo “hot” nhất hiện nay nhưng phần lớn các nước trên thế giới đều tuyên bố không thừa nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của quốc gia mình. Nhiều nước cũng đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo, không được nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xảy ra.

Tại Việt Nam, đồng Bitcoin xuất hiện từ cuối năm 2013. Ngay khi xuất hiện, Ngân hàng nhà nước Việt Nam qua nghiên cứu đã khẳng định Bitcoin không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”…

Mặc dù tiền ảo Bitcoin không được công nhận chính thức về mặt pháp lý song nó vẫn tồn tại và được một số nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sử dụng trong giao dịch điện tử. Điều đáng nói các đối tác có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không chịu sự quản lý nào của cơ quan chức năng nên trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh những  tranh chấp thương mại và dễ bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền thật.

Gần đây, tiền ảo đang có những biến tướng phức tạp khi nhiều người kinh doanh theo mô hình đa cấp dưới hình thức kêu gọi đầu tư. Đã có nhiều người dân nhẹ dạ, ảo tưởng trước những lời đường mật hứa hẹn về một giấc mơ nhanh chóng trở thành triệu phú, tỷ phú nếu đầu tư vào Bitcoin nên đã gom góp, vay mượn tiền thật mua tiền ảo để rồi lâm vào cảnh sạt nghiệp.

Cơ quan công an cũng đã bắt giữ một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới tiền ảo. Cụ thể, Công an tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hàng trăm người đến trình báo về việc bị dụ dỗ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ tại địa bàn tỉnh Gia Lai, mà nhiều người dân tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Để tránh rủi ro từ việc người dân tham gia kinh doanh tiền ảo, cơ quan công an đã đưa ra khuyến cáo “người dân không nên tham gia các hoạt động đầu tư, giao dịch tiền ảo trên mạng internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng để tránh rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Hơn nữa, người tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không những không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn dễ bị liên đới trách nhiệm về mặt pháp lý”.

Siết chặt quản lý tiền ảo

Trước diễn biến phức tạp và nhiều biến tướng của tiền ảo hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8-2018 phải hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.

Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo...

Trong khi Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc kiểm soát và siết chặt quản lý đối với đồng tiền ảo thì ngày 25-10 vừa qua, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường ĐH FPT cho biết trường này dự kiến "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". Ngay khi thông tin được công bố, đã có nhiều ý kiến lo ngại việc cho phép sử dụng Bitcoit để nộp học phí trong khi đồng tiền này chưa có quy định quản lý của nhà nước.

Trước tình trạng nhiều người đổ xô kinh doanh tiền ảo, cũng như một số đơn vị bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán trong các giao dịch làm méo mó thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, ngày 28-10 Ngân hàng Nhà nước đã lại một lần nữa ra văn bản chính thức thông báo “tuýt còi” Bitcoin.

Ngân hàng Nhà nước viện dẫn Khoản 6, Điều 4, Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nêu: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Và Khoản 7 quy định: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này” để khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Nếu doanh nghiệp có bất kỳ hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, với thông báo chính thức này, lại một lần nữa Ngân hàng Nhà nước đã bảo lưu quan điểm không công nhận tiền ảo Bitcoin trong lưu thông tiền tệ hợp pháp của Việt Nam. Quan điểm trên được coi là “thẻ đỏ” dành cho các doanh nghiệp, tổ chức đang có ý định thử nghiệm thanh toán và trả phí bằng đồng tiền ảo này trên lãnh thổ Việt Nam.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích