70 năm giữ vững mạch máu thông tin liên lạc

16:06 19/11/2015

 

CBCS Phòng Viễn thông tin học CATP vươn lên làm chủ các phương tiện kỹ thuật TTLL hiện đại
CBCS Phòng Viễn thông tin học CATP vươn lên làm chủ các phương tiện kỹ thuật TTLL hiện đại

Cách đây 70 năm, ngày 25-11-1945, bức điện đầu tiên của lực lượng CAND được truyền đi mang chỉ thị của Trung ương đến Ủy ban kháng chiến kiến quốc với nội dung: “Điều cốt tử là giữ liên lạc với các chiến khu vùng giải phóng, để thống nhất chỉ huy”. Đó là sự kiện lịch sử trọng đại và trở thành ngày truyền thống của lực lượng Thông tin liên lạc CAND Việt Nam.

Ra đời trong không khí hào hùng của những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an Hải Phòng, trong đó có lực lượng Thông tin liên lạc (TTLL) đã kịp thời góp mặt tham gia công tác đấu tranh bảo vệ giữ vững thành quả của cách mạng. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, dưới sự chỉ đạo của trung ương, Ty Công an Hải Kiến được thành lập, mặc dù còn rất khó khăn, thiếu thốn; phương tiện thô sơ, lạc hậu, TTLL của công an lúc này chỉ dựa vào giao liên là chính. Bất chấp mọi điều kiện thời tiết, ngày, đêm, hiểm nguy luôn rình rập, người giao liên có khi phải vượt qua những chặng đường hàng trăm cây số để kịp đưa, nhận, chuyển công văn, giấy tờ, chỉ thị, mệnh lệnh hỏa tốc của cấp trên xuống các cơ sở xã, huyện… Những thắng lợi vẻ vang của lực lượng CATP Hải Phòng giành được trong 9 năm trường kỳ chống Pháp có sự đóng góp không nhỏ của CBCS TTLL.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trang bị vẫn còn rất thô sơ, lạc hậu, biên chế lực lượng thiếu và yếu, song nhiệm vụ TTLL của CATP ngày càng đòi hỏi gánh vác trách nhiệm nặng nề. Cuối năm 1972, nhất là trong chiến dịch 12 ngày đêm khi đế quốc Mỹ mở rộng quy mô bắn phá miền Bắc, Sở chỉ huy của CATP và một số đơn vị quan trọng phải liên tục sơ tán về địa điểm chùa Phả Chiếu (C2), địa điểm 76 Cát Dài (C5) và xã Trường Thọ, huyện An Lão. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, những chiến sỹ TTLL đã kiên cường theo sát bám trụ, giữ vững mạch máu giao thông liên lạc để phục vụ công tác.

Sau ngày đất nước thống nhất, trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, đến tháng 8-1981, Phòng TTLL được tách ra từ Văn phòng Sở CATP và được cấp trên trang bị bổ sung nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật TTLL với đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành về thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, trung cấp điện báo. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiết bị lạc hậu, cũ, hỏng… nhưng CBCS đơn vị đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đưa vào phục vụ công tác đạt kết quả tốt, đồng thời tiết kiệm cho CATP hàng trăm triệu đồng nếu phải mua sắm thiết bị mới.

Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, lực lượng TTLL CATP đã lựa chọn, cử những cán bộ chuyên gia báo vụ giỏi sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia; cử cán bộ tăng cường đoàn công tác của Bộ Công an tham gia ổn định tình hình Tây Nguyên; đảm nhiệm giữ vững TTLL tại CAH đảo Bạch Long Vỹ. Dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, những CBCS TTLL cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hòa chung với tiến trình phát triển KHCN của thế giới, đất nước và ngành công an, lực lượng TTLL CATP hôm nay đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả các mặt công tác chỉ huy, chỉ đạo mọi mặt công tác nghiệp vụ của CATP “nhanh chóng, chính xác, bí mật và an toàn”. Hiện nay CATP đã triển khai Tổng đài mới với dung lượng ban đầu là 800 thuê bao Analog và 1200 Lients IP, cùng mạng truyền tải Metronet đa dịch vụ băng thông rộng cho các ứng dụng đa dịch vụ của công nghệ thông tin, như: thoại IP; truyền số liệu, âm thanh, hình ảnh; video… từ CATP đến công an các đơn vị, quận, huyện.

Cùng với hạ tầng truyền dẫn đa dịch vụ, CATP đã có hàng nghìn máy tính các loại với các thiết bị phụ trợ được trang bị đến các đơn vị; các đơn vị cấp phòng, công an quận, huyện đều được thiết lập mạng LAN và kết nối về Trung tâm máy tính CATP. Các chương trình ứng dụng đã được nâng cấp và mở rộng phạm vi, lĩnh vực ứng dụng ngày càng đa dạng, góp phần đắc lực cho việc hiện đại hóa công tác chỉ huy, chỉ đạo các mặt công tác nghiệp vụ như: Chương trình quản lý người nước ngoài - Việt kiều tạm trú tại địa phương trên môi trường Internet, Trung tâm cơ sở dữ liệu tội phạm, cơ sở dữ liệu gen, cơ sở dữ liệu dân cư, Chương trình quản lý phương tiện giao thông…

Thông tin vô tuyến điện thực hiện triển khai mô hình 3 cấp, đảm bảo TTLL giữa Bộ Công an với công an các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vỹ và giữa công an các đơn vị địa phương... Đáng chú ý, hệ thống thông tin Vinasat và xe truyền hình cơ động phục vụ công tác lãnh đạo chỉ huy đang dần hoàn thiện để phục vụ các mặt công tác chiến đấu, đặc biệt là các tình huống phức tạp, khẩn cấp như: phòng chống thiên tai, bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phòng chống bạo loạn lật đổ, gây rối, biểu tình, giải thoát bắt cóc con tin, giải tỏa các điểm nóng...

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, lực lượng TTLL CATP Hải Phòng, từ một bộ phận với rất ít con người, phương tiện máy móc thiếu thốn, thô sơ, đến nay Công an Hải Phòng là một trong năm thành phố trên cả nước có Phòng Viễn thông - Tin học riêng, đóng góp nhiều thành tích xuất sắc phục vụ công tác chiến đấu. Ghi nhận những thành tích đó, lực lượng TTLL CATP đã vinh dự nhiều lần được nhận các phần thưởng cao quý của Chính phủ và thành phố: nhiều năm đơn vị đạt danh hiệu quyết thắng; nhiều cá nhân được nhà nước phong tặng Huân, huy chương các loại; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an, Tổng Cục Hậu cần - Kỹ thuật và Giám đốc CATP khen thưởng.

NP

 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông