Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: 9 nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động

17:40 05/12/2023

Tại Điều 9, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Theo đó, Cảnh sát cơ động có 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là. Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Hai là. Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.

Ba là. Sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ sau đây: 

a) Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức;

b) Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự;

c) Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt;

d) Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.

Bốn là. Xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy xây dựng và thực hiện phương án của Cảnh sát cơ động.

Năm là. Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố; tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.

Sáu là. Quản lý, huấn luyện và sử dụng quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bảy là. Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định.

Tám là. Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và cơ quan, đơn vị, tổ chức, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chín là. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, đối với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động, tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định theo hướng gộp nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động vào 1 điều chung (Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động). Tuy nhiên, tại Luật Cảnh sát cơ động đã bố cục theo hướng tách các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn thành 2 điều luật riêng.

Trong đó quy định rõ ràng, cụ thể hơn, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính, sắp xếp từ các nhiệm vụ do Cảnh sát cơ động chủ trì cho đến các nhiệm vụ Cảnh sát cơ động tham gia phối hợp. Việc quy định cụ thể, minh bạch các nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động trong văn bản luật sẽ tạo điều kiện cho Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ cũng như tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động còn phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động trong thời gian qua cũng như yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động đã quy định 9 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, trong đó so với Pháp lệnh đã bổ sung quy định 2 nhóm nhiệm vụ trên thực tế Cảnh sát cơ động đang thực hiện, cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành, gồm:

(1) Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố; tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật;

(2) Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và cơ quan,  đơn vị, tổ chức, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngoài ra, Điều luật này đã bổ sung quy định “Sử dụng biện pháp vũ trang” tại khoản 2 và khoản 3 của Điều luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 40- NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới; đồng thời, cụ thể hóa chức năng mang tính đặc thù của Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Điều 3 của luật.

Đáng chú ý, Luật Cảnh sát cơ động đã lược bỏ nhiệm vụ “tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Theo đó, Cảnh sát cơ động không được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông