Gỡ khó cho thị trường bất động sản: Chính phủ đồng hành doanh nghiệp, người dân

15:51 22/03/2023

Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều diễn biến khó lường. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kêu thua lỗ, khó khăn; dòng tiền tham gia vào bất động sản bị hạn chế, ngừng trệ; cung- cầu bất động sản mất cân đối, thừa ở phân khúc cao cấp và thiếu những căn hộ giá rẻ, phù hợp với thu nhập của phần đông người lao động… Quan trọng hơn là thể chế, chính sách, các quy định của pháp luật lieen quan tới bất động sản còn nhiều bất cập. Vì thế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Với mục tiêu xây dựng thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, minh bạch, bền vững, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt, đồng hành doanh nghiệp, người dân.

                                                                           Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

          Động thái mới nhất là ngày 11-3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây được coi là căn cứ quan trọng, là hành động quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.

          Điều người dân, doanh nghiệp phấn khởi nhất là Chính phủ nêu rõ quan điểm quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái bất động sản công nghiệp, bất động sản dịch vụ, du lịch và bất động sản nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ.

Nhà ở xã hội là nhu cầu cấp thiết hiện nay của các địa phương

          Từ đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường bất động sản đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.

         Chính phủ chủ trương  không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán,…dành cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; tôn trọng và tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, lĩnh vực bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Giá cả bất động sản phải phù hợp quy luật thị trường, là động lực để thúc đẩy phát triển.

           Với quan điểm đó, Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để  kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và bảo đảm vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

          Điều quan trọng là Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản  bảo đảm đồng bộ, khả thi. Theo đó, khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...; tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" và một số thể chế, chính sách quan trọng khác.

                                                                                        Nhà ở xã hội đã có lối ra

          Đa số người dân rất vui mừng, phấn khởi khi giấc mơ an cư lạc nghiệp hoàn toàn có cơ hội trở thành hiện thực. Động thái mới nhất là Chính phủ quyết tâm rất cao thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ sẽ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

      Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua  như về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội;  quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

                            

              Lãnh đạo Chính phủ và thành phố Hải Phòng nhấn nút khởi công xây dựng Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên

     Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

        Chính phủ cũng xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương. Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

                                                    Mô hình khu nhà ở xã hội của Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng

           Những vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cũng được yêu cầu tập trung tháo gỡ nhanh như  điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.  

          Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sė, " theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiều bằng tài sản, bất động sản…

         Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

          Tại Hải Phòng, thành phố đang rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.

        Mới đây, thành phố đã khởi công khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, có thể cung cấp gần 4500 căn nhà. Đồng thời đang chuẩn bị tích cực để triển khai các khu nhà ở xã hội khác tại các địa phương như Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An... Những động thái này cho thấy thị trường bất động sản của Hải Phòng cũng như cả nước sẽ sớm vượt qua giai đoạn trầm lắng, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo cơ hội về nhà ở cho đại đa số người dân./.

                                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông