Hiệu quả mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cua biển hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”

23:16 10/05/2023

Luôn tiên phong trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, năm 2022, để thúc đẩy nghề nuôi cua biển phát triển, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã xây dựng, triển khai thành công mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cua biển hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cua biển là đối tượng thủy sản nuôi cho giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao thuộc vào top đầu các loại sản hiện nay. Đặc biệt, việc đưa chế phẩm sinh học vào nuôi đã khắc phục được nhiều nhược điểm về môi trường trong quá trình nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cua biển hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai tại hai hộ nuôi thuộc phường Tân Thành (Dương Kinh) và một hộ nuôi tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng) với quy mô giai đoạn 1 là 3.450m2, giai đoạn 2 là 1,5 ha.

 Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cua biển cho năng suất cao

Tham gia mô hình, các hộ nuôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học.

Để mô hình triển khai hiệu quả, cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, đảm bảo mục tiêu đặt ra, trong suốt quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã cử cán bộ kỹ thuật phụ trách đồng hành cùng các hộ nuôi. Nhờ đó, các hộ nuôi đã được hướng dẫn, trang bị kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cua theo đúng phương châm “cầm tay chỉ việc”, từ khâu cải tạo ao đầm, thả giống cho tới chăm sóc, quản lý, thu hoạch cua.

Đáng chú ý, với đặc tính sinh trưởng của cua là ăn thịt nhau rất mạnh nên ngay từ khâu thả giống vào ao ương các hộ dân đã được hướng dẫn thả thêm chà vào ao để cho cua trú ẩn. Theo đó, chà được bó thành từng bó thả đều khắp ao.

Và để cho cua có đủ dinh dưỡng sinh trưởng, phát triển tốt, trong quá trình nuôi, người nuôi luôn cung cấp đầy đủ thức ăn, đảm bảo về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, với các công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao như chuyển cua từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông luôn túc trực thường xuyên, đảm bảo chuyển đổi cua an toàn, hạn chế hao hụt.

Đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi cua, gia đình ông Nguyễn Văn Thu – một trong ba hộ được lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình trên diện tích 0,5 ha chia sẻ: Trước khi tham gia mô hình, gia đình ông Thu chỉ đơn thuần nuôi cua dựa theo kinh nghiệm tự học là chính. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông thành phố hỗ trợ triển khai mô hình, đưa chế phẩm sinh học vào xử lý môi trường nước trong quá trình nuôi, đàn cua của gia đình ông đã sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ cua sống trong mô hình giai đoạn 1 đạt 65%, giai đoạn 2 đạt 61%, năng suất đạt 4,7 tấn/ha, vượt 4% so với mục tiêu đặt ra ban đầu của mô hình. Trọng lượng của cua trung bình đạt 260g/con.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã chú trọng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi ngay từ đầu vụ. Theo dự kiến, cua đến thời kỳ thu hoạch sẽ được bán thẳng vào các cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn thành phố.

Qua đó, vừa giúp các hộ nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành chuỗi giá trị.

Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi cua biển ở cả khu vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Với hiệu quả bước đầu đạt được nếu được triển khai nhân rộng, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cua biển gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hứa hẹn sẽ tạo ra bứt phá mới cho nghề nuôi cua biển của thành phố. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông