Khi doanh nghiệp cạnh tranh tuyển lao động

11:12 03/07/2018

Với sự thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ cùng số doanh nghiệp đi vào hoạt động ngày càng tăng, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là nguồn lao động phổ thông ngày càng căng thẳng...

Không ít doanh nghiệp may mặc thiếu lao động phải kéo dài tuyển dụng trong cả năm

Nhu cầu lớn

Không tuyển đủ người, thiếu lao động để mở rộng sản xuất- kinh doanh. Đây là tình cảnh “than ngắn thở dài” của không ít doanh nghiệp tại một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong số các doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán tuyển dụng lao động, đáng kể là Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại KCN Vsip Hải Phòng. Là doanh nghiệp 100% vốn Hồng Kông, Regina có ngành nghề chính thiết kế và sản xuất thời trang nội y, quần áo, giày thể thao cho các thương hiệu hàng đầu như Victoria’s Secret, Adidas, Under Amour. Từ năm 2014, nhà máy A của công ty đã đi vào hoạt động và hiện đã có trên 13.000 lao động.

Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, công tác tuyển dụng lao động đang thực sự là vấn đề “khó” khi số lượng công nhân hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% so với nhu cầu. Để hoạt động, công ty cần một số lượng lớn lao động với các vị trí như: công nhân may có tay nghề, kiểm hàng, khuôn mẫu, giao nhận, đóng gói, nhân viên và lao động phổ thông khác. “Với chiến lược phát triển lâu dài, tập đoàn đang xây dựng, mở rộng thêm 2 dự án nhà máy B&C. Dự kiến đến hết năm 2018, công ty cần tới khoảng 17.000 người...”, đại diện Công ty thông tin.

Ghi nhận của Phóng viên Báo ANHP, tình trạng “treo biển” nhưng khó tuyển được đủ lao động là tình cảnh của không ít doanh nghiệp. Tại các KCN như: Đình Vũ- Cát Hải, Dương Kinh, Đồ Sơn, Lê Chân... có doanh nghiệp thiếu tới hàng nghìn lao động, nhất là các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, giầy da.

Ngay một số khu, cụm công nghiệp ở ngoại thành, địa bàn vẫn được xem là có nguồn lao động tại chỗ dồi dào cũng “khan hiếm” công nhân. Tại KCN Tràng Duệ (An Dương), dự án của Cty LG Display chuyên sản xuất màn hình Oled công nghệ cao cho các loại thiết bị điện tử với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD đã được khởi công. Tại KCN Vsip Hải Phòng, các Công ty như Zansan, FufiXerox... cần tuyển hàng trăm lao động.

Chia sẻ về tình trạng thiếu lao động, đại diện một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tại huyện Thủy Nguyên cho biết: nếu như trước đây, doanh nghiệp ký hợp đồng đơn hàng chỉ từng năm một thì nay thường từ 3- 5 năm với đối tác. Do đó, đã không quá lo về việc làm mà chỉ tập trung tuyển nhân lực đảm bảo tiến độ sản xuất theo đơn hàng.

Thực tế, trung bình mỗi năm, thành phố Hải Phòng có khoảng 2 vạn người bước vào độ tuổi lao động nhưng phần lớn chọn con đường tiếp tục học tập tại các trường đại học, cao đẳng, số lựa chọn học nghề không nhiều. Việc các doanh nghiệp cần số lượng lao động phổ thông nhiều hơn số lao động bổ sung hàng năm dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động.

Trước tình trạng căng thẳng về lao động, một số doanh nghiệp buộc phải “hạ chuẩn” trong quá trình tuyển dụng. Ngoài việc đảm bảo về thu nhập, chế độ và phúc lợi, không ít đơn vị không đưa ra các “tiêu chí” về độ tuổi, học vấn, trình độ tay nghề khi tuyển dụng hoặc sẵn sàng chấp nhận đào tạo nghề cho những lao động chưa có tay nghề. Nhiều doanh nghiệp thu hút lao động bằng việc cải thiện điều kiện làm việc lắp đặt hệ thống điều hòa 100%, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tại mỗi địa điểm xa, có bố trí đưa đón khi đủ người lao động.

Lao động ở Hải Phòng đang dần “cạn nguồn” buộc doanh nghiệp phải tới các địa phương lân cận: Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…để tuyển dụng. Tuy nhiên, theo đánh của nhiều doanh nghiệp, việc tìm được nguồn lao động tại các địa phương khác thực tế đang gặp khó hơn những năm trước, bởi vì hầu hết tất cả các tỉnh đều có các KCN nên lượng người đi làm xa quê đã giảm thấy rõ.

Xuất hiện cạnh tranh

Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Bách Phái cho biết: khi cầu lao động tăng cao, dẫn đến nhiều lao động có tâm lý so sánh về tiền lương, phúc lợi, từ đó dễ nảy sinh tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế thời gian gần đây để thu hút đủ số lượng, tại nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh, “lôi kéo” lao động của nhau, nhất là các đơn vị sử dụng đông lao động cùng lĩnh vực sản xuất.

Thông thường, các doanh nghiệp tự tuyển dụng thông qua chiến lược quảng cáo như căng băng zôn, phát tờ rơi, cử cán bộ trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn hay qua các mối quan hệ của người lao động làm việc tại công ty giới thiệu. Đáng chú ý, một số đơn vị bước đầu đã có chú trọng liên kết với các trường đào tạo nghề, tiếp nhận sinh viên, học sinh thực tập và bố trí việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Tuy nhiên, liên kết là chưa nhiều nên việc tuyển chọn vẫn chủ yếu là tự “mò mẫm”, dẫn đến cạnh tranh về lao động không đúng quy định. Thông tin mà chúng tôi có được, đã có trường hợp doanh nghiệp treo dán băng zôn tuyển dụng lao động ngay tại cổng ra vào của một doanh nghiệp khác. Hoặc trong khi doanh nghiệp A đang bị công nhân đình công, ngừng việc tập thể phải đối thoại giải quyết thì doanh nghiệp B cho người đến phát tờ rơi quảng cáo tuyển dụng.

Theo các chuyên gia, các dự án đầu tư FDI gia tăng chứng tỏ môi trường đầu tư của thành phố là rất thuận lợi song ở góc độ lao động phần nào tạo nên căng thẳng về nguồn nhân lực, nhất là tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số KCN.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐTB&XH), cho biết trước tình trạng trên, ngành đã tăng cường công tác quản lý và triển khai các biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền thông tin thị trường lao động- việc làm cho người lao động, phát huy hiệu quả của sàn giao dịch việc làm - kênh “kết nối” cung - cầu lao động chính thức của thành phố; tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nghề.

Về lâu dài, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, song các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động của thành phố cần được tham gia ngay từ công tác xây dựng, thẩm định các dự án đầu tư FDI làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách điều tiết thị trường lao động.

Có vậy quản lý nhà nước mới nắm rõ nhu cầu về cơ cấu, phân kỳ tuyển dụng của các doanh nghiệp; ngược lại phía các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tham vấn các thông tin về số lượng, chất lượng nguồn lao động trong hiện tại và cả dự báo để có chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp. Và điều quan trọng hơn nữa đối với doanh nghiệp, để thu hút người lao động gắn bó ổn định lâu dài, cần quan tâm đảm bảo chế độ chính sách theo quy định, bố trí chỗ ở cho lao động nhập cư và nhất là có các cơ chế đãi ngộ đột phá cho người lao động...

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích