10:55 20/08/2024 Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Thế nhưng, việc phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán khó.
Quá trình đô thị hóa, gia tăng về dân số cộng với nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình rác thải trên địa bàn Hải Phòng khoảng 1.950 tấn/ngày (trong đó khu vực thành thị là 1.000 tấn, nông thôn 950 tấn).
Thực trạng là các địa phương hiện đều “đau đầu” với bài toán xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường, nhất là khu vực nông thôn. Bởi số lượng rác thải ra ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Việc tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không phải dễ.
Trong khi đó, việc rác gom chung tất cả các loại sẽ mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, môi trường…
Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã chỉ ra những tồn tại từ lâu nay nhưng đã đến lúc không thể không thực hiện. Đó là do thói quen, việc phân loại rác thải sinh hoạt đối với người dân vẫn là điều xa lạ.
Nhiều gười vẫn thường thu gom tất cả rác thải (tạm chia thành 3 loại là rác thải vô cơ, hữu cơ và nguy hại) cho “thập cẩm” vào túi và vứt thẳng vào thùng rác chung.
Nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải nói rằng, các đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác cũng chưa thể phân loại rác hoặc có phân loại thì cũng chưa hoàn toàn triệt để.
Đối với các đơn vị làm dịch vụ môi trường, xe vận chuyển rác đều không có ngăn để phân loại rác hữu cơ (loại rác gây mùi ô nhiễm) hay rác khó phân hủy, tất cả rác thải được đổ vào thùng. Duy nhất bên hông xe là chiếc túi được các công nhân cột lại để lượm nhặt chai nhựa, hộp nhựa, bìa carton.
Quy trình tiếp theo là đưa đến điểm tập kết, đưa lên xe và một mớ hỗn độn rác được ép thành một khối chở đi, kết thúc một quy trình thu gom và không hề có công tác phân loại. Điểm đến cuối cùng của rác là các bãi rác chôn lấp, số ít được xử lý.
Theo đánh giá, hiện trên địa bàn thành phố mới có khoảng 2 đơn vị có công nghệ, công suất xử lý rác thải hữu cơ một cách bài bản.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, việc phân loại rác thải tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục.
Còn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, thì bị phạt tiền.
Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác sẽ góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.
Căn cứ pháp lý và lợi ích thực tế của việc phân loại rác thải tại nguồn đã rõ ràng có song thiết nghĩ cũng cần có lộ trình cụ thể để triển khai tới từng địa phương, khu dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Bên cạnh đó là việc chuẩn hóa các quy trình từ việc phân loại tại hộ gia đình cho đến hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý của các đơn vị. Bởi thay đổi thói quen xã hội không dễ đạt được trong thời gian ngắn nhưng phải được thực hiện.
THỦY NGUYÊN
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão