Trường ĐH Đông Đô đối thoại học viên Hải Phòng: Học sinh “đòi” bằng, trường kêu… “đang rà soát”

15:27 25/08/2019

Sau khi hàng trăm học viên Hải Phòng có đơn yêu cầu Trường ĐH Đông Đô giải đáp thắc mắc xung quanh tính pháp lý của khóa học, cũng như liệu họ đã “học thật, thi thật, đóng tiền thật” xong có được nhận bằng, trong buổi đối thoại diễn ra vào sáng 25-8, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, một nhóm người được xem là đại diện của Trường ĐH Đông Đô đã trả lời quanh co rằng “trường đang rà soát để báo cáo Bộ GD-ĐT”…

Học viên Hải Phòng chất vấn phía Trường ĐH Đông Đô

Nhiều khúc mắc

Sáng 25-8, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, một nhóm được xem là đại diện của Trường ĐH Đông Đô đã đối thoại với đại diện học viên các lớp đào tạo của trường này tại Hải Phòng thời gian qua. Theo thông báo đăng trên facebook (cách liên lạc duy nhất giữa nhà trường với học viên Hải Phòng), cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào lúc 10h sáng, nhằm giải đáp thắc mắc về những vấn đề báo nêu.

Tuy nhiên, đến hơn 11h15, nhóm người của Trường ĐH Đông Đô mới đến. Qua mấy lời giới thiệu sơ sài, “trưởng nhóm” chỉ giới thiệu tên là Hiệp, cùng một người tự giới thiệu là Phó phòng Đào tạo và người thu tiền học phí của học viên Hải Phòng tên Thảo.

Trước đó, lớp văn bằng 2 Luật Kinh tế tại Hải Phòng (có khoảng 200 học viên) do Trường ĐH Đông Đô đào tạo nhận được thông tin về việc khởi tố bắt giữ hiệu trưởng và một số cán bộ của Trường ĐH Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”, đã lo lắng về tính hợp pháp của ngành nghề mình đang theo học.

Theo thông báo của nhà trường, học viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp vào tháng 6-2019, tuy nhiên đến đầu tháng 7-2019, mặc dù thi cử xong xuôi nhưng việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn “bặt vô âm tín”. Ngày 9-7-2019, đại diện lớp văn bằng 2 (ký hiệu lớp 522-03) đã đến trường làm việc, yêu cầu nhà trường giải đáp thắc mắc về việc Trường ĐH Đông Đô có được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo hệ chính quy văn bằng 2 Khoa Luật kinh tế tại địa phương khác hay không thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Phía đại diện nhà trường là bà Nguyễn Hải Yến (Phó Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Đông Đô) không giải đáp bất kỳ thắc mắc nào.

Ngày 31-7-2019, một số học viên tiếp tục đến làm việc với Ban lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thì được ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm trả lời rằng, việc Trường ĐH Đông Đô được đào tạo tại địa phương khác hay không, Trung tâm không nắm được, Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng và không chịu trách nhiệm về quản lý đào tạo.

Cũng theo phản ánh của tập thể sinh viên các lớp này, trong suốt hơn 2 năm theo học, họ có rất nhiều khúc mắc không được Khoa Luật Kinh tế và Trường ĐH Đông Đô giải đáp thỏa đáng. Đó là việc nhà trường liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng để Trung tâm này đứng ra thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên có hợp pháp hay không?

Vì sao Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng chỉ ký hợp đồng thuê phòng mà Trung tâm lại được phép thông báo liên kết tuyển sinh, thu hồ sơ tuyển sinh, cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp, thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của Trung tâm?...

Theo các học viên, họ đã nhận được “thông báo” đến dự buổi trả lời chính thức từ phía Trường ĐH Đông Đô do đích thân Phó Hiệu trưởng chủ trì trả lời, tuy nhiên người đến lại không như mong đợi.

Giải đáp quanh co

Một học viên lớp hệ chính quy văn bằng 2 Khoa Luật kinh tế ngoài giờ tại Hải Phòng cho biết: “Lẽ ra em không học lớp này mà định theo học văn bằng 2 do Trường ĐH Luật mở tại Hải Phòng. Tuy nhiên, nghe nói lớp của ĐH Đông Đô mở chỉ học có 2 năm, phù hợp hoàn cảnh vừa đi làm, vừa đi học nên em mới đăng ký học. Nghe thì 2 năm, nhưng giờ cũng đã gần 3 năm rồi mà em vẫn chưa được nhận bằng. Giờ lại nghe có khi còn không nhận được bằng!”.

Nhiều học viên có chung nỗi lo lắng với học viên này. Theo phản ánh, đa số các học viên đều là vừa đi làm, vừa đi học. Có học viên dù bụng mang dạ chửa vẫn lặn lội đến lớp sau giờ làm. “Sau gần 3 năm, học thật, thi thật, đóng tiền thật, bây giờ nếu chúng tôi không được cấp bằng thì nhà trường đền bù thiệt hại cho chúng tôi như thế nào?”, một học viên bức xúc.

Chưa nói đến tiền học phí thì thời gian nỗ lực vừa học vừa làm của của các học viên khó có thể bù đắp, chưa kể nhiều học viên là công chức, viên chức khi bị “dính” vụ “văn bằng lởm” này cũng bị ảnh hưởng uy tín không nhỏ là những điều mà các học viên băn khoăn, lo lắng.

Trả lời các học viên, phía Trường ĐH Đông Đô chỉ thiên về giải thích, thuyết minh về số tiền đã thu chỉ là “học phí” và đã thu theo đúng quy định. Về tính pháp lý của khóa học này, phía trường cho biết, ĐH Đông Đô đã có văn bản gửi Bộ xin được đào tạo cấp văn bằng hai, còn việc có công văn trả lời hay không thì câu trả lời không rõ ràng. Giải đáp này đã gặp phản ứng lớn từ phía các học viên: Tại sao chưa có phép đã tổ chức lớp học?

Lẽ ra, khi nhận được giấy phép, nhà trường mới được tổ chức lớp… Về câu hỏi liệu sau khi học xong số học viên Hải Phòng có được được nhận bằng, phía ĐH Đông Đô trả lời rằng “đang rà soát”, sau khi rà soát xem học viên có “học thật, thi thật” hay không sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT!?

Được biết, tại Hải Phòng, ngoài lớp văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế với khoảng 200 học viên nói trên, Trường ĐH Đông Đô còn liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng để tuyển sinh, chiêu sinh hàng trăm học viên. Hiện, hàng trăm học viên tại Hải Phòng đã hoàn thành các nội dung học tập theo chương trình đào tạo và đã thi tốt nghiệp nhưng chưa được cấp bằng...

Đầu tháng 8, điều tra sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can với ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT), Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên) cùng hai cán bộ Đại học Đông Đô là Phạm Vân Thuỳ và Lê Thị Lương về tội “Giả mạo trong công tác” theo điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo buộc, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Đại học Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng 2 với mức phí từ 28 đến 35 triệu đồng mỗi văn bằng.

Các lớp văn bằng 2 dạng này không thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Ban giám hiệu Đại học Đông Đô sắp xếp thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. Học viên nào chép nhanh thì hơn một ngày là xong, chép chậm thì 2-3 ngày.

Hiện, cơ quan công an làm rõ gần 460 văn bằng đã được sử dụng tại nhiều cơ quan nhà nước và tư nhân. Học viên chủ yếu là cán bộ, công chức cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông